|
Đồng chí Thiên Sanh Quận Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh |
Phóng viên: Đồng chí cho biết diễn biến tình hình tại các diện tích rừng trong mùa khô trên địa bàn tỉnh ta hiện nay?
Đồng chí Thiên Sanh Quận: Mùa khô năm nay đến sớm và được dự báo rất phức tạp, tình hình nắng hạn có thể kéo dài thêm nhiều tháng do chịu ảnh hưởng của thời tiết từ giữa năm 2014 đến nay. Nhiều tháng qua, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện mưa, nắng nóng liên tục, không khí khô hanh kéo dài cùng với độ ẩm thấp nên rất nhiều diện tích thảm thực vật, rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh đã khô. Tính từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ cháy rừng, với diện tích thiệt hại 4,25 ha. Qua tính toán cấp dự báo cháy rừng dựa trên công thức Nesterop và các chỉ tiêu khô hạn ở tỉnh ta, kết hợp với quan sát, theo dõi thực tế tình trạng khô hạn ở những khu vực có rừng trên địa bàn tỉnh, từ ngày 12-2, Ban Chỉ đạo BV&PTR tỉnh đã thông báo cấp dự báo nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh tăng lên cấp IV (cấp nguy hiểm, thời tiết khô hanh, hạn kéo dài, có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn, tốc độ lan tràn lửa nhanh).
Phóng viên: Hiện nay, khu vực nào trên địa bàn tỉnh có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao nhất và đâu là nguyên nhân?
Đồng chí Thiên Sanh Quận: Qua phân tích, chúng tôi nhận thấy các vụ cháy rừng thường xuyên xuất hiện ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn và Ninh Phước. Trong 5 mùa khô gần đây, thời tiết có nhiều thuận lợi, số vụ cháy cũng giảm đáng kể qua từng năm, các vụ cháy thường xảy ra tại các khu rừng khộp, đặc biệt là ở hiện trạng RII, nơi có các cây họ dầu tái sinh. Những khu vực thường hay xảy ra cháy gồm: Tiểu khu 48, 49 (xã Phước Thành); tiểu khu 59, 70, 60a, 60 b (xã Phước Đại); tiểu khu 36b, 42, 37a (xã Phước Tân); tiểu khu 9, 11, 15, 16 (xã Phước Bình)…thuộc huyện Bác Ái và các tiểu khu 106, 103a, 103b (xã Hòa Sơn); tiểu khu 105a, 108, 109, 112, 115 (xã Ma Nới); tiểu khu 52, 56, 62… (xã Lâm Sơn) thuộc huyện Ninh Sơn.
Qua nhiều lần tổng kết đánh giá và xác minh có thể nói các vụ cháy phát sinh chủ yếu là do sự bất cẩn của người dân, chưa có vụ cháy nào do thiên tai gây ra. Vào mùa khô, một bộ phận người dân tại các khu vực miền núi thường xuyên phát dọn đốt nương rẫy gây cháy lan, một số đối tượng khác khi vào rừng sử dụng lửa nhưng lại không dập tắt nên gây ra cháy.
Phóng viên: Đối với phương án PCCCR năm nay, có gì mới thưa đồng chí?
Đồng chí Thiên Sanh Quận: Để chủ động công tác PCCCR, ngay từ đầu mùa khô, các địa phương, đơn vị chủ rừng đều đã xây dựng phương án rất cụ thể, phù hợp với tình hình điều kiện của từng đơn vị. Các phương án này đều đã được UBND tỉnh phê duyệt và cấp kinh phí để triển khai kịp thời. Trên tinh thần đó, các địa phương đã thành lập các Ban Chỉ huy bảo vệ rừng và PCCCR các cấp; củng cố và tăng cường lực lượng cho các các tổ, đội PCCCR ở cơ sở; xây dựng kế hoạch cụ thể để phối hợp tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát PCCCR, phấn đấu hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng có thể xảy ra trên tinh thần tích cực, chủ động theo phương châm “4 tại chỗ”.
Trong phương án PCCCR năm nay, chủ yếu vẫn là tập trung tuyên truyền giáo dục, lâm sinh, xây dựng bản đồ PCCCR, tổ chức cảnh báo cháy rừng và phát hiện sớm các điểm cháy rừng. Tuy nhiên, như đã xác định nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng vẫn là do sự bất cẩn của người dân, do đó năm nay, chúng tôi gắn trách nhiệm cụ thể hơn đối với các tổ, cộng đồng nhận giao khoán giữ rừng, cùng một số cam kết như: đảm bảo không để bà con tự ý đốt rẫy khi chưa có sự cho phép hoặc hướng dẫn của cán bộ kiểm lâm địa bàn, không vào rừng giờ cao điểm, báo cháy và tham gia chữa kịp thời ngay khi phát hiện… Ngoài ra, 3 chốt kiểm lâm cơ động đang hoạt động tại các khu vực điểm nóng trên địa bàn 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái cũng sẽ được tăng cường trách nhiệm kiểm soát, tuần tra để hạn chế việc người dân vào rừng, nhằm hỗ trợ các đơn vị BVR trong công tác PCCCR đạt hiệu quả nhất.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Sơn (thực hiện)