Tuyển sinh theo hình thức xét tuyển học bạ và thi đánh giá năng lực

Ngày 9/9/2014, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã ban hành Quyết định phê duyệt Phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Theo Quyết định này, các trường đại học, cao đẳng công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kì thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường đại học, cao đẳng và kết quả thi của mình, các thí sinh có thể đăng ký vào các trường theo nguyện vọng cá nhân.

Từ Quyết định của Bộ Giáo dục – Đào tạo, năm học 2015-2016, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ thực hiện phương án tuyển sinh mới – tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực. Kỳ thi đánh giá năng lực sẽ được tổ chức tại nhiều địa điểm ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội Hải Phòng, Thái Nguyên, Vinh, Thanh Hóa, Đà Nẵng và một số tỉnh khác. Các thí sinh sẽ thi tại các phòng thi, trên máy tính, với một bộ đề thi duy nhất.

Khoa Quốc tế - ĐHQGHN, với đặc thù của một đơn vị đào tạo liên kết, được ĐHQGHN cho phép áp dụng 2 hình thức tuyển sinh: tuyển sinh dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực và theo kết quả học tập ở bậc THPT.

Như vậy, các thí sinh đăng ký học chương trình do ĐHQGHN cấp bằng cần phải tham gia kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức vào tháng 5 và tháng 7 năm 2015.

Thí sinh đạt điểm sàn tối thiểu (dự kiến là 50% tổng số điểm) sẽ đủ điều kiện học tại Khoa Quốc tế. Các chương trình do ĐHQGHN bao gồm: Kinh doanh quốc tế (đào tạo bằng tiếng Anh); Kế toán, Phân tích và Kiểm toán (đào tạo bằng tiếng Anh hoặc Nga); Hệ thống thông tin quản lý (đào tạo bằng tiếng Anh); Tin học và Kỹ thuật máy tính (dự kiến tuyển sinh) (đào tạo bằng tiếng Anh)

Thí sinh đăng ký học chương trình do đại học đối tác nước ngoài cấp bằng cần có những điều kiện sau: tốt nghiệp THPT, đáp ứng đầy đủ quy định về tuyển sinh của trường đại học đối tác và Việt Nam; điểm ba môn Toán, Văn, Ngoại ngữ lớp 12 đạt từ 17 điểm trở lên và không có điểm liệt; vượt qua kiểm tra phỏng vấn do trường đại đối tác và Khoa Quốc tế tổ chức (đối với thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên tại kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQGHN tổ chức trong vòng 2 năm sẽ được xem xét miễn kiểm tra phỏng vấn).

Các chương trình do đại học đối tác nước ngoài bao gồm: Kinh doanh (Kế toán) (đào tạo bằng tiếng Anh, do Trường ĐH HELP, Malaysia, cấp bằng); Kế toán và Tài chính (đào tạo bằng tiếng Anh, do Trường ĐH East London, Vương quốc Anh, cấp bằng); Quản lý (đào tạo bằng tiếng Anh, do Trường ĐH Keuka, Hoa Kỳ, cấp bằng); Kinh tế - Quản lý (đào tạo bằng tiếng Pháp, do Trường ĐH Paris Sud, CH. Pháp, cấp bằng).

Được thành lập tháng 7/2002, Khoa Quốc tế trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo công lập đi đầu thực hiện các chương trình đào tạo liên kết quốc tế.

Khoa Quốc tế đã và đang phát triển một cách bền vững về quy mô và chất lượng đào tạo. Từ một đơn vị chỉ thực hiện một chương trình đào tạo đại học bằng tiếng Nga, Khoa đã xây dựng và triển khai thành công hàng chục chương trình đào tạo đại học và sau đại học bằng các thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc.

Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo tại Khoa Quốc tế - ĐHQGHN không những được nhận tấm bằng có giá trị toàn cầu mà điều quan trọng hơn còn có chuyên môn vững, sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ và có các kỹ năng mềm như: kỹ năng tổ chức, thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý, lãnh đạo.

Bài thi đánh giá năng lực được xây dựng theo hình thức trắc nghiệm, gồm 4 hợp phần: Toán, Ngữ văn, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Các hợp phần Toán và Ngữ văn mỗi hợp phần có 50 câu trắc nghiệm khách quan. Hai hợp phần tổng hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân) mỗi hợp phần gồm 40 câu trắc nghiệm khách quan. Tổng số toàn đề thi có 180 câu. Tổng số thời gian làm bài là 215 phút, làm gọn trong một buổi thi. Bài thi có 20% câu hỏi dễ (mức năng lực thấp), 60% câu hỏi trung bình (mức năng lực trung bình) và 20% câu hỏi khó (mức năng lực cao).
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại