CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

“Thuốc” chữa cho căn bệnh trầm kha!

(NTO) Trong dịp tết, một số người quen làm ăn sinh sống ở xa về thăm quê, chơi tết đến thăm nhà. Quanh câu chuyện đầu xuân mọi người đều bày tỏ cảm nhận về sự đổi mới đến không ngờ của tỉnh. Không chỉ có bộ mặt thành phố Phan Rang-Tháp Chàm ngày một tươi mới mà nhiều địa phương có dịp đi qua thăm thú... đều có sự đổi thay rất đáng kể như huyện Ninh Sơn chẳng hạn, qua “mục sở thị” con đường trung tâm Huyện rực rỡ cờ, hoa cũng đủ để cảm nhận sự phát triển, đổi thay so với nhiều năm về trước của một huyện miền núi... Và có lẽ chỉ có những người đi xa mới cảm nhận được đầy đủ sự đổi thay này. Tuy nhiên, điều mà những người quen của tôi than phiền là rác quá nhiều và đáng nói là người dân đổ vô tội vạ!. Chính vì điều này đã làm “mờ” đi phần nào bộ mặt đổi mới của nhiều địa phương!.

Bộ đội giúp dân dọn vệ sinh khu dân cư thuộc địa bàn phường Bảo An. Ảnh: Sơn Ngọc

Có thể nói, cùng với sự phát triển dân số cộng với quy hoạch để chỉnh trang lại các khu vực dân cư, phục vụ phát triển kinh tế… đã làm cho quỹ đất bị thu hẹp lại. Đây cũng là nguyên nhân làm cho rác thải sinh hoạt của các hộ dân trở thành “vấn nạn” mặc dù các địa phương đã rất quan tâm đến khâu xử lý để làm sạch môi trường. Đến nay, phần lớn các thị trấn, thị tứ đều thành lập đội vệ sinh để thu gom xử lý rác thải, còn lại nhiều vùng nông thôn vẫn để cho người dân tự xử lý. Trước đây đất vườn còn rộng người dân tự đào hố chôn lấp, vừa hợp vệ sinh lại vừa làm phân để trồng cây, nay “đất hẹp, người đông” do con cái lớn phải “dựng vợ, gả chồng” và tách hộ nên nhà ở san sát chẳng khác gì ở thành phố. Vậy là dẫn đến tình trạng rác được đổ xuống kênh mương, ven đường, khu công cộng... nói chung nơi nào trống là rác sẽ... “ngự trị”. Một người đổ được thì không lâu sẽ thành bãi rác, đáng nói là do “tự phát” nên không ai dọn dẹp, cuối cùng tạo nên “vấn nạn” cho môi trường sống, đó là chưa nói bệnh tật phát sinh từ đây. Việc sử dụng bao ni lông làm túi đựng cũng góp thêm vào môi trường sự ô nhiễm do không tự tiêu được, đó là chưa nói “phát tán” theo gió làm cho môi trường càng xấu thêm.

Nhiều người đặt câu hỏi: Vậy chính quyền địa phương làm gì trước thực trạng này?. Thật ra, ngay từ “ông” quản lý thôn, khu phố cũng tỏ ra thiếu trách nhiệm, buông xuôi để mạnh ai nấy làm mà lẽ ra phải nhắc nhở, phải đề xuất với lãnh đạo địa phương có biện pháp xử lý, tổ chức dọn vệ sinh làm sạch môi trường...ngay từ khi mới manh nha. Còn “ông” lãnh đạo cấp trên thì quan liêu, thiếu sâu sát, có không ít người dân đã phản ảnh nhưng đâu vẫn vào đó, xem như đây là trách nhiệm của…dân. Vậy là đành “chịu trận” vì không nói được và cũng không “quản” được người đổ rác mặc dù bãi rác hình thành ngay bên hông nhà chứ chẳng đâu xa…

Vấn đề đặt ra: - Đâu là “liều thuốc” chuyên trị “bệnh” đổ rác bừa bãi này?. Có nhiều người đã “hiến kế” là phải xử phạt thật nghiêm, thật nặng đồng thời buộc phải dọn sạch để trả lại sự trong lành vốn có nếu phát hiện những người cố tình làm xấu môi trường, “bôi lọ” lên gương mặt văn hóa mà nhân dân từng địa phương chung tay xây dựng.