1/ Trả lương chậm từ 15 ngày trở lên phải trả thêm tiền
Nội dung này được quy định tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/03/2015, cụ thể như sau:
- Người sử dụng lao động trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do NHNN công bố tại thời điểm trả lương.
- Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì không được trả chậm quá 01 tháng.
Ngoài ra, Nghị định này cũng hướng dẫn thanh toán tiền phép năm như sau:
Tiền lương làm căn cứ tính tiền phép năm sẽ là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề trước thời điểm tính.
Đối với NLĐ làm việc dưới 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ tính sẽ là tiền lương bình quân của toàn bộ thời gian làm việc.
Tiền lương của 1 ngày phép năm chưa nghỉ được thanh toán sẽ bằng tiền lương bình quân nêu trên chia cho số ngày làm việc bình thường của tháng trước liền kề thời điểm tính.
Đối với trường hợp khấu trừ lương của NLĐ để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng thiết bị, dụng cụ thì tiền lương làm căn cứ tính khấu trừ sẽ là tiền lương thực tế NLĐ nhận được hàng tháng (sau khi đã trừ BHXH, BHYT, BHTN, thuế TNCN).
Nghị định này thay thế Nghị định 196-CP năm 1994, Nghị định 41-CP năm 1995, Nghị định 93/2002/NĐ-CP, Nghị định 33/2003/NĐ-CP, Nghị định 11/2008/NĐ-CP.
2/ Mức lương mới đối với chuyên gia tư vấn trong nước
Từ 01/03/2015, sẽ áp dụng mức lương mới đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn Nhà nước.
Theo đó, mức lương không quá 40 triệu đồng/tháng đối với chuyên gia tư vấn thuộc 01 trong các trường hợp:
- Có bằng đại học đúng chuyên ngành tư vấn và có từ 15 năm kinh nghiệm trở lên trong chuyên ngành tư vấn.
- Có bằng thạc sĩ trở lên đúng chuyên ngành tư vấn và có từ 8 năm kinh nghiệm trở lên trong chuyên ngành tư vấn.
- Đảm nhiệm chức danh Trưởng nhóm tư vấn hoặc chủ trì tổ chức, điều hành gói thầu tư vấn.
Trong những trường hợp cần thiết đòi hỏi chuyên gia tư vấn có trình độ chuyên môn kỹ thuật đặc biệt, khả năng cung ứng của thị trường lao động còn hạn chế hoặc điều kiện làm việc khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, mức lương chuyên gia có thể cao hơn nhưng không quá 1,5 lần mức trên.
Nội dung trên được quy định tại Thông tư 02/2015/TT-BLĐTBXH và thay thế Thông tư 18/2010/TT-BLĐTBXH.
3/ Thanh toán chi phí hồi hương cho thuyền viên
Cuối năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định 121/2014/NĐ-CP hướng dẫn Công ước Lao động hàng hải năm 2006 về chế độ lao động của thuyền viên làm việc trên tàu biển.
Theo đó, chủ tàu phải bố trí cho thuyền viên hồi hương và thanh toán các khoản chi phí trong các trường hợp:
- Hợp đồng lao động thuyền viên hết hạn;
- Thuyền viên bị ốm đau, tai nạn lao động hàng hải cần phải hồi hương;
- Tàu bị chìm đắm;
- Bán tàu hoặc thay đổi đăng ký tàu;
- Tàu hoạt động tại khu vực chiến tranh mà thuyền viên không đồng ý tiếp tục làm việc trên tàu;
- Các trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.
Nghị định này có hiệu lực từ 01/03/2015.
4/ Thay đổi mã vùng điện thoại cố định
Kể từ 01/03/2015, Thông tư 22/2014/TT-BTTTT về quy hoạch kho số viễn thông bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, có một số nội dung đáng chú ý như sau:
- Thay đổi mã vùng điện thoại cố định của các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, như Hà Nội đổi từ 4 thành 24; Hồ Chí Minh đổi từ 8 thành 28, Đà Nẵng đổi từ 511 thành 236…
Số thuê bao điện thoại cố định sẽ có độ dài từ 7 – 8 chữ số (trước đây cho phép từ 6 – 9 chữ số).
Đối với mạng viễn thông di động đã có quy định cụ thể về mã mạng (có độ dài 2 chữ số); số thuê bao có độ dài từ 7 – 8 chữ số (trước đây là 7 – 9 chữ số).
Ngoài ra, Thông tư còn quy định về mã mạng điện thoại internet là 65, số thuê bao có độ dài 8 chữ số.
Thông tư này thay thế Quyết định 52/2006/QĐ-BBCVT, 53/2006/QĐ-BBCVT.
5/ Không được phép phát hành hơn 1 Ví điện tử cho 1 tài khoản
Đó là quy định tại Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Theo đó, tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử không được phép:
- Phát hành hơn 01 Ví điện tử cho 01 tài khoản thanh toán của khách hàng tại 01 ngân hàng.
- Cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng Ví điện tử, trả lãi trên số dư Ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên Ví điện tử.
Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định các nội dung về quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn, bảo mật, đảm bảo khả năng thanh toán đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Thông tư này có hiệu lực từ 01/03/2015.
6/ Hướng dẫn mới về đăng ký giao dịch chứng khoán
Từ 01/03/2015, các công ty đại chúng chưa niêm yết sẽ đăng ký giao dịch chứng khoán (GDCK) theo hướng dẫn tại Thông tư 01/2015/TT-BTC.
Theo đó, công ty đại chúng chưa niêm yết sẽ nộp hồ sơ đăng ký GDCK tại Sở GDCK Hà Nội gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký giao dịch tại Sở GDCK Hà Nội (theo mẫu tại Phụ lục I);
- Thông tin tóm tắt (theo mẫu số 08 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định58/2012/NĐ-CP);
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán do Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cấp.
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Sở GDCK Hà Nội cấp Quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch.
Nếu từ chối chấp thuận đăng ký giao dịch, Sở GDCK Hà Nội phải trả lời công ty đại chúng bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Thông tư này bãi bỏ Quyết định 108/2008/QĐ-BTC; Thông tư 128/2009/TT-BTCvà 95/2010/TT-BTC.
7/ Thay đổi biểu mẫu đăng ký hành nghề Luật sư
Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 02/2015/TT-BTP quy định một số mẫu giấy tờ về luật sư và hành nghề luật sư. Theo đó:
Người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, luật sư Việt Nam, luật sư nước ngoài, người đăng ký hoạt động tổ chức hành nghề luật sư… khi thực hiện đăng ký hành nghề, thành lập tổ chức hành nghề sẽ áp dụng các biểu mẫu mới ban hành kèm theo Thông tư này.
Số lượng mẫu giấy tờ đã giảm xuống còn 22 mẫu thay vì 29 mẫu như Thông tư 17/2011/TT-BTP.
Thông tư 02 có hiệu lực từ ngày 05/3/2015.
Các mẫu giấy tờ ban hành kèm theo Thông tư 17/2011/TT-BTP được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị pháp lý.
8/ Điều chỉnh mức tiền lương, tiền công, thu nhập tháng đã đóng BHXH
Nội dung này được quy định tại Thông tư 03/2015/TT-BLĐTBXH và có hiệu lực từ ngày 09/03/2015. Cụ thể như sau:
- Người lao động đang tham gia BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian tham gia BHXH, có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hưởng lương hưu, trợ cấp 01 lần khi nghỉ hưu, BHXH 01 lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất 01 lần từ 01/01 – 31/12/2015, mức điều chỉnh tiền lương, tiền công tháng đã đóng BHXH như sau:
- Người lao động tham gia BHXH tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp 01 lần khi nghỉ hưu, BHXH 01 lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất 01 lần, từ 01/01 – 31/12/2015, mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH như sau:
Các quy định tại Thông tư này áp dụng từ 01/01/2015.
9/ Nghị định 09/2015/NĐ-CP về tăng 8% lương hưu chính thức có hiệu lực
Từ 01/01/2015, tăng thêm 8% mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng sau:
- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân (CAND) và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.
- Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP,121/2003/NĐ-CP, 09/1998/NĐ-CP đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.
- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định pháp luật; đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg, 613/QĐ-TTg năm 2010, công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
- Cán bộ xã, phường, thị trấn theo Quyết định 130/CP năm 1975, Quyết định 111-HĐBT năm 1981.
- Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định142/2008/QĐ-TTg, 38/2010/QĐ-TTg.
- CAND đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg .
- Quân nhân, CAND, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, CAND đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg.
Nội dung trên được quy định tại Nghị định 09/2015/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 10/3/2015.
10/ Quy định mới về cải tạo xe cơ giới đường bộ
Từ ngày 10/03/2015, việc cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư 85/2014/TT-BGTVT.
Theo đó có một số nội dung mới như sau:
- Không cải tạo hệ thống lái của xe cơ giới, trừ trường hợp đối với xe cơ giới tay lái nghịch nhập khẩu.
- Không cải tạo lắp đặt giường nằm loại hai tầng lên xe chở người.
- Không cải tạo tăng kích thước khoang chở hành lý của xe chở người.
- Trường hợp cải tạo để đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng mà nội dung cải tạo không phù hợp với quy định tại Điều 4 Thông tư 85 thì vẫn được thực hiện.
- Xe cơ giới sau cải tạo là xe tự đổ, xe xi téc, xe tải phải có thông số kỹ thuật phù hợp quy định tại Thông tư 42/2014/TT-BGTVT .
Thông tư này thay thế cho Thông tư 29/2012/TT-BGTVT