Đón xuân vui tươi nhưng phải... tiết kiệm!

(NTO) Theo thông tin từ các địa phương, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về chăm lo tết cho gia đình chính sách, nhất là người nghèo vốn còn nhiều “thiệt thòi” trong cuộc sống với tinh thần: Người người, nhà nhà đều có Tết.

Ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, năm nay các địa phương trong tỉnh đã tích cực vận động nguồn lực từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp…và cả nhân dân tại chỗ trên tinh thần “của ít lòng nhiều” để chung sức lo Tết cho những trường hợp còn khó khăn... Với sự nhiệt tâm và nhiều cách làm hay, đến nay hầu hết các hộ nghèo đều nhận quà Tết. Theo lãnh đạo huyện Ninh Sơn cho biết, bình quân mỗi hộ nghèo được hỗ trợ gần 1 triệu đồng tiền quà, cao hơn các năm trước. Đây không chỉ là nguồn động viên rất lớn cho người nghèo, mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc, tạo thêm điều kiện để tự tin vượt khó, thoát nghèo trong tương lai.

Người dân tham quan đường hoa xuân Ất Mùi 2015. Ảnh: Sơn Ngọc

Tết cũng là thời điểm để mọi người, mọi nhà đoàn viên, chia sẻ vui, buồn năm cũ, động viên hướng đến năm mới với nhiều hy vọng sẽ gặp bao điều may mắn, thành công bằng chính “nội lực” và phấn đấu của mỗi thành viên trong gia đình. Đây là nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực của Tết vẫn còn phổ biến những “nét” chưa hay, chưa đẹp. Đầu tiên là tiêu xài “vung tay quá trán”, có bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, thậm chí là vay mượn lãi cao để tiêu Tết... theo suy nghĩ “giàu ba ngày Tết!”. Đáng lo nhất là phần nhiều thường sa đà vào những chuyện... ngoài gia đình như rượu chè, cờ bạc... hơn là mua sắm, chi tiêu trong gia đình. Vậy là “ra giêng” ngồi ngẫm lại mới “giật mình” vì sự lãng phí vô bổ, có một số trường hợp phải “lẳng lặng” rời địa phương để... trốn nợ!. Phung phí sức khỏe cũng là vấn đề phổ biến đáng lo ngại. Không ít người hiện vẫn còn suy nghĩ là Tết thì phải vui mà muốn vui phải có bạn bè, vậy là tụ tập sa đà vào nhậu nhẹt “vô thiên lủng”, chỉ dừng khi đã “quắt cần câu”. Đây cũng là nguy cơ không chỉ tổn hại đến sức khỏe, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông, bởi lẽ không mấy khi “con ông trời” này nghĩ mình say nên phóng xe “bạt mạng” và tất yếu cái gì đến sẽ đến.

Vài năm gần đây, giới trẻ và các gia đình trẻ đã tổ chức các hình thức đón Tết rất hay, đó là tranh thủ các ngày nghỉ Tết để đưa cả gia đình đi du lịch tại các tỉnh. Cái lợi đầu tiên là “giữ lửa” gia đình sau một năm chạy theo công việc mưu sinh, thứ hai là tránh được các cuộc ăn nhậu chúc tụng ngày Tết, thứ ba là biết được nhiều danh thắng của đất nước. Một số bạn trẻ còn tính toán rằng đón Tết như vậy tiết kiệm hơn nhiều so với kiểu... truyền thống. Có lẽ cũng vì thế mà những năm gần đây Chính phủ đã điều chỉnh ngày nghỉ Tết dài hơn để tạo điều kiện nhân dân đón xuân, đồng thời cũng “kích cầu” tiêu dùng bằng các dịch vụ phục vụ tết trong đó có du lịch...

Năm hết, Tết đến, mong rằng mọi người cần tính toán để gia đình vui xuân đầm ấm, vui tươi nhưng phải tiết kiệm cả vật chất và cả sức khỏe của chính mình.