Món quà riêng này là niềm vui chung của cán bộ chiến sĩ Trường Sa Đông, nên sau Tết Giáp Ngọ, cây quất được giao cho phân đội chiến đấu số 2 chăm sóc. Binh nhất Phạm Minh Tuấn, người ra nhận nhiệm vụ cùng chuyến tàu chở cây quất này ra đảo vào ngày 2-1-2014, và cũng là một trong những người trực tiếp được giao chăm sóc cây quất, kể rằng phân đội 2 quý cây quất như người em–coi như một “chiến sĩ màu xanh” của phân đội. Phân đội luân phiên cắt cử người cắt tỉa, chăm bón. Vào mùa nắng tháng 3, tháng 4 ở Trường Sa, nước sinh hoạt trên đảo bị hạn chế, nước tắm có thể thiếu nhưng cả phân đội đều dành dụm không để cây quất thiếu nước. Và thật bất ngờ, khi nhận được kế hoạch thay thu quân mới, thì cũng là lúc cây quất đơm hoa kết trái chào Xuân Ất Mùi. Thiếu tá Hoàng Thanh Tú cho biết, cây quất tuy rất bình thường, nhưng đó cũng là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, tiếp nối, làm đẹp thêm những khát vọng xanh màu tuổi trẻ, để người chiến sĩ luôn vững chắc tay súng nơi biên cương hải đảo.
Lính đảo Trường Sa chăm sóc “Vườn rau thanh niên“.
Không chỉ ở Trường Sa Đông, mà ở các đảo chìm Đá Đông A, Đá Đông B, Đá Đông C, đảo nổi Phan Vinh A và điểm đảo chìm Phan Vinh B, mới được một nửa hải trình công tác, mà đến điểm đảo nào, chúng tôi cũng bắt gặp những màu xanh non mơn mởn của hoa lá, cỏ cây tự tay người chiến sĩ ươm trồng. Tất cả các điểm đảo chúng tôi đi qua đều có “Vườn rau thanh niên”. Tại đảo chìm Đá Đông A, bên cạnh nhà lâu bền xây dựng để làm căn cứ phòng thủ và sinh hoạt, là một khu vườn rất độc đáo được dựng kỳ công như một nhà dàn, một “vườn treo babylon” trên biển, vườn treo này tiền thân của nó là chân đế của nhà tiền trạm trong những ngày đầu đóng quân bảo vệ chủ quyền trên đảo Đá Đông. Cán bộ và chiến sĩ đã làm sàn và đổ đất để làm “Vườn rau thanh niên”. Chỉ một vuông đất nhỏ nhưng có nhiều loại rau như: rau muống, mồng tơi, bầu đất, cải bẹ, rau sam... Ngoài ra còn có các chậu trồng chanh, ớt, đinh lăng, nghệ, riềng, sả, húng, quế... Trung tá, bác sỹ quân y Nguyễn Văn Lâm, quê ở xã Nghi Mỹ (Nghi Lộc), người đã từng đến với Trường Sa từ năm 1988 để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ, từ đó đến nay, đã có 6 lần ra nhận nhiệm vụ ở Trường Sa, cho biết: “Mùa này khó trồng rau nhất, vì cứ vào tháng 11, 12 âm lịch ở Trường Sa gió mưa nhiều, rau gặp mưa và gió biển rất khó phát triển. Còn vào tiết tháng ba, tháng tư rau mọc tươi tốt nhất. Mùa nhiều rau thì luộc, xào, mùa ít rau thì chỉ nấu canh. Nhìn chung bữa ăn nào cũng có rau xanh”. Chúng tôi ai cũng vui, vì đang mùa khó trồng nhất, mà ở đây những ngọn bầu đất, mồng tơi, những luống cải bẹ vẫn tốt tươi, mướt mát. Còn ở các điểm đảo chìm Đá Đông B, Đá Đông C, Phan Vinh B, phổ biến là kiểu trồng rau “di động”. Cứ chỗ nào có gió nhiều thì phải di chuyển và che chắn. Được trồng nhiều nhất vẫn là các loại rau bầu đất, mồng tơi, cải bẹ. Ở điểm đảo Đá Đông C còn trồng nhiều cây me để lấy lá kho cá. Ở các điểm đảo Phan Vinh A, Trường Sa Đông và Đá Đông C còn trồng được bầu, bí.
Cùng nhau thể hiện giọng hát bên cây đàn Ghi ta.
Ngoài các loại rau, trên các ô cửa sổ, góc bàn, góc nhà, những không gian nhỏ ở đây cũng được đặt những chậu cây cảnh tạo màu xanh. Tại điểm đảo Đá Đông C, trên bàn làm việc của thượng úy Phan Đức Sinh–chính trị viên điểm đảo, chúng tôi đã sững sờ trước vẻ đẹp của những cây xương rồng nở hoa, được trồng trong các vỏ ngao “cô đơn” và chung quanh gốc có trang trí ốc biển. Tạo nên thế “bon-sai” rất lạ, vừa giản dị, lại cũng rất đài các. Hay trên tủ thuốc Phòng bác sỹ quân y đảo Phan Vinh B mà chúng tôi chưa kịp hỏi tên, là một bình hoa xương rồng ba nhánh xanh thẫm.
Ở Trường Sa, mỗi điểm đảo là một pháo đài canh giữ chủ quyền biển trời Tổ quốc. Trong cảm nhận của chúng tôi, khi đặt chân đến các điểm đảo trước thềm xuân mới Ất Mùi, thì đây có thể xem là những “pháo đài xanh” với vô số những bóng cây rợp mát. Trước sóng và gió biển luôn dập dồn dữ dội, với nước mặn đại dương, đối mặt với muôn vàn khắc nghiệt của thiên nhiên, từ bao đời nay, Trường Sa đã lựa chọn cho mình những loài cây mà sự thích nghi, khả năng chịu đựng và kiên gan bền bỉ để tồn tại của nó cũng mang đậm đà tính cách của dân tộc Việt Nam. Trong đó điển hình là 4 loài cây: cây phong ba, cây bão táp, cây bàng vuông và cây tra.
Đêm 10-1, dạo bước trên đảo Phan Vinh, dưới những tán cây dày sum suê, mềm mại mà dẻo dai trước những đợt gió giật cấp 6, cấp 7, Đại tá Phan Ngọc Quang, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 (phiên hiệu của Đoàn Trường Sa) chia sẻ với chúng tôi những trải nghiệm, chiêm nghiệm sâu sắc: Cây phong ba là cây thân gỗ cao, cành cứng, vừa tạo màu xanh và tán che mát cho đảo, tạo cảnh quan cho đơn vị, vừa ngụy trang công sự, trận địa. Đây là loại cây có khả năng che chắn lớn trước các sự tấn công của kẻ thù bằng hỏa lực vì cành cây cứng nhưng không giòn, khó gãy. Cây bão táp tầm vóc nhỏ hơn, có lợi thế lớn để trồng bao quanh làm đai chắn bão giông, sóng biển, vừa để che chắn tầm nhìn thấp từ xa hướng tới. Cây bàng vuông riêng chỉ có ở Trường Sa, vừa mang dáng dấp cây bàng ở đất liền, hoa bàng vuông đẹp kiều diễm như thể sắc màu của hoa quỳnh, chỉ nở về đêm. Nhụy hoa bàng vuông thành chùm dài màu trắng hồng phớt tím ở đầu nhụy, mềm mại và mong manh, cánh hoa bàng trắng, làm cho hoa bàng vuông có thể sánh ngang với bất cứ loài hoa kiều diễm nào trên đất liền.
Vậy là, đến với Trường Sa, mảnh đất xa xôi địa đầu của Tổ quốc, nơi đón ánh dương hồng ban mai rực rỡ mỗi sáng sớm, vậy mà chúng tôi lại bị chinh phục và mê đắm bởi những màu xanh tràn trề nhựa sống. Vượt qua muôn trùng sóng bể, giờ đây lại đứng bên cột mốc chủ quyền, trong tôi lại trào dâng cảm giác hạnh phúc vô bờ khi những rẻo đất thiêng liêng của đất mẹ được gìn giữ bao đời và từng ngày, từng giờ quân và dân cả nước tiếp tục tài bồi để Trường Sa ngày một vững chãi và lớn mạnh trước những cơn sóng dữ của biển đông bao la.
Sau 26 ngày bồng bềnh với sóng biển để mang Xuân ra với Trường Sa, chúng tôi lại trở về với đất liền thân yêu, với biết bao lưu luyến giữa những tình cảm của những người lính đảo. Một chuyến đi đong đầy cảm xúc của những người làm báo lần đầu đến với quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc để ghi nhận sự "thay da đổi thịt" từng ngày, từng giờ của đảo xa. Hơn thế nữa, chúng tôi mang lại sự kết nối giữa đất liền với đảo xa, gần thêm qua những của tâm tình người lính đảo đến với đất liền thân yêu. Đêm cuối trên biển, cánh phóng viên chúng tôi cùng toàn bộ chiến sỹ vừa hoàn thành nhiệm vụ ở đảo trở về đất liền đều mang trong lòng nhiều nỗi niềm vừa mong nhớ đất liền vừa nhớ đảo xa. Qua một thời gian dài gắn bó với tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, khi chia tay đảo về đất liền tuy không nói ra nhưng trong lòng đều thầm mong thời gian được ở lại với đảo được kéo dài thêm chút nữa…
Hoàng Trung