Trong màn sóng gió của đại dương, đảo chìm Đá Đông vẫn vững vàng nơi đầu sóng. Từ xuồng CQ, vượt ngàn sóng dữ, mục sở thị cuộc sống trên đảo chìm Đá Đông. Những chuyến hàng nặng nghĩa, vẹn tình từ đất liền không chỉ vượt qua hàng ngàn km, hàng trăm hải lý với vô vàn bão tố trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi- 2015. Đó thực sự là hơi ấm quê hương gửi tới các chiến sĩ ngoài đảo xa.
Chiến sỹ trên đảo chìm chăm sóc bên những luống rau xanh.
Trên vùng biển đảo xa xôi cuộc sống của những người lính đảo vẫn diễn ra hết sức bình dị. Và điều dễ nhận thấy nhất, đó là những chiến sĩ trẻ đã và đang vững vàng đầu sóng với một niềm tin chắc chắn được gửi trao từ đất liền. Họ không chỉ làm chủ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc mà đã tự chủ từng bữa ăn, mỗi buổi sinh hoạt trên đảo. Đại úy Hoàng Văn Sinh, Chính trị viên đảo Đá Đông cho biết: Chúng tôi hiểu tấm lòng của đất liền gửi gắm nơi đảo xa, ở đây chỉ hơi xa về địa lý chứ không hề xa trong tấm lòng giữa đất liền với hải đảo. Ở nơi tiền đồn của Tổ quốc, chúng tôi cũng tự hứa với lòng sẽ chắc tay súng, bền gan vững chí giữ vững biên cương.
Cuộc sống trên các đảo chìm ở huyện đảo Trường Sa hiện nay đã có sự đổi thay rất đáng tự hào. Không chỉ có những công trình ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh biển đảo mà còn có những công trình phục vụ đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần cho cán bộ chiến sĩ trên đảo chìm. Công trình nhà văn hóa đa năng tại điểm A, điểm .B, đảo chìm Đá Đông là một ví dụ. Tại đây, cán bộ chiến sĩ có không gian rèn luyện thể dục- thể thao và tham gia các hoạt động văn hóa tinh thần. Thiếu tá Ngô Văn Hưng, Chỉ huy trưởng Đảo Đá Đông – Điểm B nói: Sau những giờ thực hiện nhiệm vụ thì cán bộ, chiến sỹ hăng say tập luyện thể dục- thể thao để rèn luyện thân thể. Từ ngày có những môn bóng bàn, máy chạy bộ…, chiến sỹ thường tập trung về nhà văn hóa để vui chơi tập luyện, tăng cường rèn luyện thân thể dẻo dai và sức chiến đấu đáp ứng với khả năng chiến đấu bảo vệ đảo. Ngoài ra, buổi tối cuối tuần còn có những chương trình văn hóa-văn nghệ như thi hát Karaoke cũng làm cho cuộc sống tinh thần cán bộ chiến sỹ đảo chìm thêm phong phú.
Cán bộ, chiến sĩ hăng say tập luyện thể dục thể thao.
Cuộc sống trên đảo chìm Tốc Tan bình dị từ những vồng rau mồng tơi, những luống rau muống che chắn gieo sau nếp gió. Mỗi người phải tự trồng và chăm sóc diện tích rau của riêng mình. Đó cũng là phong trào thi đua hết sức thiết thực được các cán bộ, chiến sĩ trẻ phát động và thực hiện từ nhiều năm nay. Trung úy Chu Văn Hùng, một trong những người con xứ Nghệ đang công tác ở đảo Tốc Tan cũng như nhiều chiến sĩ trẻ khác, cảm nhận rất rõ những đổi thay trên vùng phên dậu phía đông của Tổ quốc. Để có được những vườn rau xanh tốt, Trung úy Bùi Phúc Đoàn, Đảo Tốc Tan– điểm B cùng cán bộ, chiến sỹ trên đảo tốn rất nhiều công sức. Chăm rau hơn chăm sóc bản thân mình, anh Đoàn mách nhỏ cho chúng tôi biết vì sao ở nơi đầu sóng ngọn gió mà vườn rau vẫn mơn mởn: Ngoài việc che chắn gió biển và di chuyển những khay rau theo mùa gió thì việc pha trộn chất trồng gồm xơ dừa, đất và phân vi sinh theo liều lượng thích hợp nên rau trên đảo chìm cũng xanh tốt không kém gì rau trên đất liền.
Cùng nhau thể hiện giọng hát bên cây đàn ghi ta.
Cuộc sống ở hải đảo mặc dù vẫn còn phụ thuộc nhiều từ đất liền, song cán bộ chiến sĩ trên đảo chìm đã bằng mọi cách mở rộng tăng gia, sản xuất nhằm cải thiện bữa ăn, nâng cao chất lượng đời sống. Ở điểm A, đảo chìm Đá Đông, về mùa này cơ bản đã tự túc được nguồn thực phẩm rau xanh. Đặc biệt từ đầu năm đến nay các cán bộ chiến sĩ đã nuôi được 4 tạ lợn thịt, hằng trăm lượt gà, vịt. Với không gian diện tích rất nhỏ, lại luôn phải đối diện với sự khắc nghiệt của thời tiết, sóng gió thì đây là một nỗ lực hết sức đáng ghi nhận. Trung tá Nguyễn Thế Chiến, Chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh B tâm sự: Do là đảo chìm nên điều kiện sinh hoạt cũng có phần khó khăn so với đảo nổi nhưng cán bộ, chiến sỹ xác định nhiệm vụ thiêng liêng giữ đảo để giữ biển và bảo ban nhau cố gắng tăng gia sản xuất để bữa ăn được phong phú. Hiện nay, mỗi năm có nhiều chuyến tàu ra với đảo nên việc tiếp tế lương thực thực phẩm tươi thường xuyên nên cuộc sống ở đảo xa cũng có nhiều thuận lợi. Để chuẩn bị vui xuân đón Tết Ất Mùi, ngoài nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu thì đảo cũng tổ chức gói bánh chưng và mổ lợn để cho chiến sỹ vui xuân đón tết, nói chung là đất liền đón Tết như thế nào thì chúng tôi ngoài đây cũng cố gắng chuẩn bị chu đáo để được giống đất liền.
Những ai từng đến với Trường Sa, được dõi mắt nhìn theo những triền sóng hẳn sẽ cảm nhận rõ ràng về sự đổi thay trên vùng biển, vùng trời quê hương. Tất cả đã làm nên một Trường Sa yên bình và vững chãi trước những cơn biển động với sóng to gió cả.
Hoàng Trung