Vấn đề hôm nay:

Đừng “đùa” với sức khỏe chính mình!

(NTO) Mùa tết là thời điểm làm ăn của thương nhân, nông dân trong tỉnh. Nào là cây trái, hoa kiểng được đầu tư theo hướng đẹp, lạ, chất lượng để cung cấp cho thị trường vốn đa dạng, từ giới tiền bạc rủng rỉnh thường chuộng hàng “độc” với giá cả cao ngất ngưởng nhưng... không là gì miễn là thỏa mãn được nhu cầu, đến giới bình dân tuy có “so đo” một chút nhưng không mấy người quá tiết kiệm để chỉ “mãn nhãn” mà không mua để chưng, dùng trong gia đình ba ngày tết.

Các “làng nghề” truyền thống sản xuất thực phẩm cũng rốt ráo sản xuất để cung ứng cho nhu cầu thị trường. Nào là cá khô, mực khô, nai, bò... tẩm đến bánh, mứt các loại. Chỉ có điều các loại tẩm, ướp này liệu có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hay không thì không sao biết được mặc dù nhãn mác giới thiệu cơ sở sản xuất được kèm theo sản phẩm hẳn hoi. Thực ra, các sản phẩm làm từ các cơ sở thủ công thường đáp ứng cho nhu cầu của giới bình dân dễ tính bởi giá cả có “mềm” hơn và kiểu bán cũng linh hoạt hơn, nghĩa là mua từ 1 lạng trở lên đều được cả.

Chị em nội trợ mua thực phẩm tại các siêu thị có uy tín trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Sơn Ngọc

Và cũng chính từ sự dễ tính này mà đã xảy ra không ít vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc. Không đâu xa, mới đây vào đầu tháng 2/2015, theo thông tin từ ngành Y tế đã tiếp tục xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại 1 quán ăn trên đường Tô Hiệu (phường Kinh Dinh, Phan Rang-Tháp Chàm) làm cho 2 người phải nhập viện để điều trị. Nguyên nhân được xác định ban đầu là do ăn cá khô với các triệu chứng sau khi ăn là tê môi, tê lưỡi và khó thở. Trong số 2 người ngộ độc có một trường hợp nặng phải chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa để tiếp tục điều trị.

Lâu nay, báo chí đã đề cập rất nhiều đến tình trạng các loại khô làm từ hải sản không đảm bảo vệ sinh ngay tại nơi chế biến, lẫn lộn cá nóc có chứa độc tố được tẩm ướp với các loại cá khác. Đó là chưa đề cập đến hàng giả, nhất là mực khô được làm bằng bột mỳ... có hại đến sức khỏe người sử dụng cả trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, dường như nhiều người vẫn còn rất thờ ơ với các thông tin cảnh báo. Người bán quán ăn vỉa hè hay điểm bán cố định bình dân kèm theo rượu cũng không rõ nguồn gốc... thế nhưng vẫn cứ bán mà bất chấp thực phẩm liệu có an toàn cho người mua!. Người tiêu dùng cũng vậy, thấy rẻ, bắt mắt... là mua sử dụng mà không cần biết là có an toàn... hay không!. Cái kiểu đem chính sức khỏe của mình ra để làm chất “xúc tác” thử chất lượng của thực phẩm bẩn và hậu quả là con đường đến bệnh viện là... rất gần, đồng nghĩa với “tuổi đời” sẽ ngắn lại nếu bị tổn thương nặng.

Ngày Tết đang đến gần và theo đó là thực phẩm không an toàn, kém phẩm chất, quá đát, nhiễm khuẩn... tràn lan, xâm nhập nhiều nơi, nhiều ngõ ngách của cuộc sống bởi một số đối tượng làm ăn gian dối, bởi sự thiếu kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên của ngành chức năng. Hay nói khác hơn ngành chức năng, liên quan chỉ “chạy theo” xử lý “tình huống” khi hậu quả đã xảy ra, còn việc ngăn ngừa thì buông lõng!.

Để giải quyết tình trạng nêu trên, bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới, ngày 30/1/2015 UBND Tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về nội dung đã nêu. Theo đó, giao trách nhiệm các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng từ khâu sản xuất đến chế biến và lưu thông trên thị trường; ngăn chặn có hiệu quả việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và nhập lậu. Củng cố và nâng cao năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm đối với hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố ngay tại tuyến xã, phường...

Chung quy lại, cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đã có không ít các quy định, khuyến cáo cả người kinh doanh lẫn người tiêu dùng cảnh giác, “nói không” với thực phẩm không an toàn. Tuy nhiên, để thực hiện không phải một sớm một chiều và người tiêu dùng cũng đừng quá trông mong vào “đạo đức” của người sản xuất lẫn kinh doanh một khi chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe đối với hành vi kiếm lợi lớn do làm ăn gian dối.

Lời khuyên: Hãy tự biết để bảo vệ sức khỏe chính mình.