Thế nhưng, điều mà nhiều người quan tâm đó là sự không công bằng giữa giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng giá cước vận tải vẫn “kiên trì” giữ giá hoặc có giảm nhưng “nhỏ giọt” mà thôi. Theo thống kê, chỉ trong vòng 7 tháng trở lại đây ngành xăng dầu trong cả nước đã có hơn chục lần giảm giá và nếu cộng dồn tỷ lệ giảm gần 40%. Đây là chính sách quyết liệt của Chính phủ trong việc kiên quyết điều chỉnh để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm nhất là ở khâu lưu thông, vận chuyển... Đồng thời, giúp người dân đi lại thuận tiện với mức cước vừa phải, phù hợp với thu nhập chưa cao khi nền kinh tế trong nước, trong tỉnh mới “chớm” phục hồi. Nếu nhìn sâu xa hơn thì việc giảm giá xăng dầu cũng góp phần giảm chi phí trong sinh hoạt, tiêu dùng của người dân để có tích lũy và cải thiện đời sống theo hướng tốt hơn.
Tuy nhiên, giữa “mong muốn” với hiện thực không phải bao giờ cũng suôn sẻ. Bằng chứng là giá xăng dầu giảm chỉ còn bằng 60% so với trước đây nhưng các nhà xe “chuyển động” giảm quá chậm chạp. Chỉ tính trên địa bàn tỉnh hiện có 11/11 doanh nghiệp vận tải hành khách kê khai giảm giá cước, thấp nhất chỉ giảm 3% và cao nhất là 8,4%. Đã vậy, có doanh nghiệp còn “than thở” là bị lỗ và nại ra rất nhiều lý do để giảm chậm, giảm thấp vì phải chi rất nhiều... phí khác!. Các hãng taxi hoạt động trên địa bàn tỉnh có khá hơn với mức giảm từ 10 đến 20% nhưng cũng không mấy “nhiệt tình” để giảm mà làm theo kiểu “cà rịch cà tang” để móc túi người dân có nhu cầu sử dụng phương tiện này. Nhìn chung, việc giảm giá quá chậm chạp và “khiêm tốn” của các doanh nghiệp vận tải trong cả nước nói chung đã làm cho Bộ trưởng Đinh La Thăng- người đứng đầu ngành Giao thông vận tải đã phải kêu gọi người dân “tẩy chay” những doanh nghiệp nào không chịu... giảm giá!. Nói thì dễ nhưng làm sao để người dân biết những doanh nghiệp nào giá cao hay thấp, phương tiện phục vụ tốt hay không… để lựa chọn trong khi mọi thông tin về các doanh nghiệp vận tải gần như rất mù mờ!. Điều cũng đáng nói là người dân thì bức xúc còn các cơ quan quản lý, liên quan lại chưa có động thái nào tích cực để can thiệp giá cước một cách hiệu quả, nếu không muốn nói là gần như “bất lực” để cho các doanh nghiệp vận tải “tự quyết” hoàn toàn và “vô tư” móc túi người dân!.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giải quyết tình trạng này?. Có nhiều ý kiến được nêu ra, nhiều giải pháp được đề cập nhưng xét cho cùng vẫn là thiếu các chế tài cụ thể bằng quy định của pháp luật. Trước mắt, có ý kiến cho rằng cơ quan chức năng cần công khai tất cả từ tuyến xe, số vé, giá vé của từng hãng tại các nơi như nhà xe, bến xe... trên xe và cả phương tiện thông tin đại chúng để người dân cân nhắc lựa chọn. Mặt khác, cần kiên quyết xử lý như giảm lượt, cắt chuyến... đối với những doanh nghiệp vận tải không thực hiện nghiêm túc việc giảm giá. Có như vậy mới mong “lập được trật tự”.
Hy vọng rằng các biện pháp nêu trên cần khẩn trương thực hiện để giúp người dân bớt tốn kém đi lại trong dịp Tết Nguyên Đán 2015. Đừng để người dân phải trông chờ “vô vọng” vào “đạo đức kinh doanh” của các doanh nghiệp vận tải khi mà lợi nhuận “ăn theo” từ giá xăng dầu giảm còn quá lớn trước mắt!.
Tuấn Dũng