Đẩy mạnh công tác giảm nghèo

(NTO) Đến cuối năm 2014, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 11.823 hộ, chiếm 7,53%, giảm 1,81%; hộ cận nghèo còn 12.588 hộ, chiếm 8,02%, giảm 0,48% so với năm 2014; người nghèo được tiếp cận đầy đủ các chính sách trợ giúp của nhà nước.

 Chỉ riêng trong năm 2014, trên 4.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn với tổng số tiền trên 70 tỷ đồng để sản xuất chăn nuôi, cải thiện, nâng cao đời sống. Trong năm, tỉnh ta cũng đã hỗ trợ tiền điện cho 14.159 hộ nghèo với kinh phí gần 5,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cấp thẻ BHYT cho 138.837 người nghèo và cận nghèo. Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới 184 căn nhà Đại đoàn kết với số tiền trên 4 tỷ đồng. Các huyện, thành phố, các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã tổ chức các lớp dạy nghề, hỗ trợ dạy nghề cho 9.532 lao động nông thôn (trong đó đa phần thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo). Bên cạnh đó, công tác huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo đã được các ngành, các cấp, các hội, đoàn thể quan tâm triển khai thực hiện và tạo được sự đồng thuận cao của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm… góp phần cùng Nhà nước thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác giảm nghèo.

 
Chị Nguyễn Thị Nguyên, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm)
phấn khởi bên căn nhà Đại đoàn kết.
 

Với các hỗ trợ thiết thực nêu trên, không ít hộ nghèo đã vận dụng tốt để vươn lên trong cuộc sống. Ninh Hải, một trong những huyện làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Ninh Hải, cho biết: “Đa phần hộ nghèo có nhu cầu hỗ trợ vốn vay đều được địa phương phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội để xem xét và giúp đỡ. Từ nguồn vốn vay ban đầu, đa số hộ nghèo đã xây dựng được mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả, kinh tế tương đối ổn định, góp phần giảm dần tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương”.

Tuy nhiên, hiện nay tốc độ giảm nghèo hàng năm đang có xu hướng chậm lại so những năm trước. Ngoài các nguyên nhân như nguồn lực đầu tư cho chương trình giảm nghèo còn hạn chế; một số địa phương chưa đề ra được các dự án, giải pháp cụ thể phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương kế hoạch trong xóa đói giảm nghèo; việc xã hội hóa công tác giảm nghèo còn chưa hiệu quả; công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân còn hạn chế; một bộ phận hộ nghèo chủ quan, ỷ lại, trông chờ sự trợ giúp của Nhà nước, của xã hội, thiếu ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo... Một nguyên nhân khác nữa là đa phân hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Do hộ DTTS chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, kinh tế chậm phát triển, mặt bằng dân trí thấp, còn trông chờ ỷ lại nên mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trong vùng đồng bào DTTS nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Đây đang là một trở ngại đối với công tác xóa đói giảm nghèo ở tỉnh ta.

Năm 2015, tỉnh ta đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,8 đến 2%, trong đó huyện Bác Ái giảm 8%. Để đạt được kết quả trên, theo đồng chí Đặng Thị Phấn, Phó Giám đốc sở LĐTB&XH, cho biết: Ngành sẽ phối hợp với các địa phương và các ngành có liên quan tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo đến người dân. Đồng thời, tổ chức quán triệt sâu rộng trong các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, tổ chức xã hội và người dân về các chỉ tiêu, nghị quyết giảm nghèo các năm tiếp theo để làm cơ sở xác định hướng đi phù hợp. Chúng tôi sẽ phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường công tác giáo dục làm chuyển biến nhận thức của người dân trong việc tự nâng cao trình độ, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình giảm nghèo với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường tổ chức đối thoại chính sách đối với hộ nghèo, nhằm nắm được tâm tư nguyện vọng, đề xuất của họ, từ đó cụ thể hóa trong biện pháp, giải pháp thực hiện…”