Tại cuộc gặp, ông Stoltenberg khẳng định rằng quyết định mở rộng khả năng quân sự của NATO tại biên giới phía Đông là hoàn toàn mang tính phòng thủ. Đáp lại, Ngoại trưởng Nga cho rằng chính sách tăng cường tiềm lực quân sự của NATO cũng như sự hiện diện quân sự và cơ sở hạ tầng của NATO ở phía Đông nước Nga đang làm gia tăng căng thẳng và đối đầu giữa hai bên.
Về cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga và NATO cũng không thu hẹp được bất đồng, song nhất trí sẽ tiếp tục duy trì các cuộc thảo luận. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp, ông Stoltenberg cho biết hai bên đánh giá về tình hình Ukraine theo những cách rất khác nhau. Ông Stoltenberg nêu quan ngại với ông Lavrov về “tình hình nghiêm trọng” tại Ukraine và nhấn mạnh vai trò của Nga trong việc giải quyết tình hình hiện nay vì sự ủng hộ của Moskva đối với các lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, ông Stoltenberg cũng cho biết NATO và Nga đã nhất trí tiếp tục duy trì các kênh tiếp xúc chính trị mở và kênh liên lạc quân sự với Nga. Trong khi đó, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh việc NATO ủng hộ hành động quân sự của chính quyền Kiev tại khu vực Đông Nam Ukraine không giúp cho việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich, ông Lavrov khẳng định Nga muốn có quan hệ bình thường với Mỹ và NATO, nhưng chính các đối tác phương Tây đã phá vỡ các kênh đối thoại và kêu gọi các nước khác không hợp tác với Nga. Ông Lavrov chỉ trích NATO không tuân thủ các thỏa thuận đạt được sau Chiến tranh Lạnh, đồng thời cảnh báo việc cắt giảm sự hiện diện các nhà ngoại giao Nga tại NATO như hiện nay sẽ làm xuất hiện nhiều vấn đề trong quan hệ giữa hai bên. Ông cho biết Nga sẵn sàng tái thiết lập các cơ chế hợp tác với NATO.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới tại Hội nghị An ninh Munich ngày 7-2, Tư lệnh NATO tại châu Âu, Tướng Philip Breedlove (Phi-líp Brít-la-vơ) tuyên bố Phương Tây không loại trừ lựa chọn quân sự cho vấn đề Ukraine, đồng thời ám chỉ tới khả năng cung cấp vũ khí và trang bị quân sự cho Kiev hơn là điều binh lính tới nước này.
Cùng ngày, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (Giô Bai-đơn) nhấn mạnh Washington mong muốn một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine, song Kiev “có quyền tự vệ” trước Nga và Mỹ sẽ cung cấp các công cụ để Ukraine làm điều đó. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Giôn Ke-ri) cũng cho biết Washington đang cân nhắc hỗ trợ “bổ sung” cho Ukraine để chống lại lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine, nhưng không đề cập tới việc sẽ cung cấp vũ khí cho Kiev.
Theo TTXVN