1. Thông tin gây chấn động dư luận quốc tế hôm 4-2, đó là việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng công bố đoạn video ghi lại cảnh con tin người Jordan (Giooc-đan), phi công Kassaesbeh (Cát-xa-ét-be) bị lực lượng này thiêu sống. Đây được coi là vụ hành quyết con tin nước ngoài tàn bạo nhất mà các tay súng IS tiến hành thời gian qua.
Quốc vương Abdullah (Áp-đu-la) của Jordan gọi hành động của IS là hèn hạ và kêu gọi người dân Jordan cũng như cả thế giới không chùn bước trước khủng bố. Trong khi đó, rất đông người dân Jordan đã đổ xuống đường để bày tỏ tình đoàn kết và quyết tâm trong cuộc chiến chống khủng bố. Phi công Kassaesbeh, 26 tuổi, bị IS bắt làm con tin từ tháng 12-2014. IS đã từng đòi trao đổi Al-Rishawi (An Ri-sa-vi) lấy tính mạng của phi công Kassaesbeh và con tin người Nhật Bản Kenji Goto (Ken-zi Gô-tô), nhưng bất thành.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon (Ban Ki Mun) đã lên án vụ sát hại viên phi công Kassaesbeh của Jordan và khẳng định đây là hành động kinh khủng. Ông cũng kêu gọi tất cả các chính phủ tăng cường nỗ lực để chiến đấu vối chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) tuyên bố, nếu đoạn băng hình sát hại viên phi công Jordan được xác nhận, nó cho thấy “tính chất dã man” của IS. Các cơ quan tình báo Mỹ đang thẩm tra xác thực đoạn băng hình mà IS tung ra. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-be) cũng bày tỏ giận dữ trước hành động dã man của IS và khẳng định Nhật Bản sẽ không nhân nhượng trước chủ nghĩa khủng bố.
2. Căng thẳng tiếp tục leo thang ở Khu vực chiến sự Donetsk (Đa-nhét-xcơ), miền Đông Ukraine (U-crai-na) khi hôm 5-2, hàng loạt vụ nã pháo đã được thực hiện nhằm vào các khu vực dân cư khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và 28 người bị thương. Bạo lực bùng phát trở lại tại miền Đông Ukraine khi cuộc đàm phán hòa bình gần nhất tại Minsk (Min-xcơ), Belarus hôm 31-1 kết thúc mà không đạt thỏa thuận nào.
Một động thái liên quan, trong cuộc họp báo với người đồng cấp Canada đang ở thăm Pháp, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Jean-Yves Le Drian (Giăng I-ve Lơ Đờ-răng) tuyên bố, nước này không có kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại lực lượng ly khai ở miền Đông. Theo ông Le Drian, Pháp đang cố gắng nhằm tránh làm cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine thêm trầm trọng.
Lo ngại về cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người dân và đẩy hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Giáo hoàng Francis đã kêu gọi các bên tham chiến ở đây ngồi lại bàn đối thoại để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Ukraine.
Thủ tướng Đức, Angela Merkel (An-giê-la Méc-kên) cũng khẳng định, Berlin (Béc-lin) sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine, bởi đây không phải là cách giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ, Jen Psaki (Giên Sa-ki) cho biết, nước này cũng chưa đưa ra quyết định khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev (Ki-ép).
3. Hy Lạp sẽ đối mặt với nguy cơ cạn dự trữ tiền tệ chỉ trong 1 tháng tới, nếu Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) không chấp nhận phương án bán nợ mà Chính phủ mới của Hy Lạp đề xuất.
Cụ thể, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis (Da-nít Va-rô-pha-kít) đã đề xuất ý tưởng thông qua bộ ba chủ nợ, đặc biệt là ECB để huy động một nguồn vốn tín phiếu trị giá từ 15-25 tỷ Euro như một phần của chương trình giải cứu. Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu phương án này không được chấp thuận, cùng việc người Hy Lạp đang rút tiền khỏi các ngân hàng và từ chối thanh toán thuế thì ngân hàng Chính phủ Hy Lạp có thể chỉ duy trì được đến đầu tháng 3 tới.
Ngay sau khi đắc cử, Tân Thủ tướng cùng Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp đã bắt đầu thực hiện chuyến thăm tới một loạt nước châu Âu nhằm kêu gọi sự ủng hộ đối với các cuộc đàm phán giảm nợ của quốc gia này với các chủ nợ quốc tế. Các Bộ trưởng Tài chính Eurozone dự kiến sẽ có các cuộc họp khẩn vào ngày 11-2 tới đây để thảo luận kế hoạch Hy Lạp đề xuất nêu trên.
P.V