Thợ may đường phố bội thu mùa Tết

(NTO) Dịp giáp Tết, dịch vụ sửa áo quần đặc biệt hút khách. Chỉ cần biết chút ít về may vá, một chiếc máy may cùng những thứ đồ nghề: kim, chỉ, thước dây…, những “thợ may đường phố” tha hồ hành nghề kiếm sống.

Sửa quần áo từ lâu đã trở thành một nghề. Áo quần cũ, mới thậm chí mới mua ra từ shop, đôi khi phải chỉnh sửa cho vừa ý. Cánh thợ may thường tập trung ở các chợ Tháp Chàm, Phước Mỹ, Thanh Sơn, Phan Rang… và trên các tuyến đường Nguyễn Du, Thống Nhất (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm)… Họ nhận sửa quần áo các loại, từ quần jeans, quần kaki, áo thun, sơ-mi, đến các loại phức tạp như váy đầm, veston… Mỗi ngày, những người thợ cần mẫn ngồi bên chiếc máy may, có khi hàng nhiều, họ thức cả đêm làm để kịp giao cho khách. Bên cạnh sự tỉ mỉ, đường may đẹp, thợ may cần biết phân biệt được đặc tính, chất liệu của từng loại vải, kiểu dáng từng loại đồ. Tùy vào mức độ sửa nhiều hay ít, tiền công dao động từ vài nghìn đồng đến hơn 20.000 đồng. Không chỉ vậy, với những áo, quần bị móc rách, người sửa phải linh động, lấp lỗ thủng bằng những hình thêu, hoa văn đẹp mắt. Chị Cẩm Tú (phường Phước Mỹ, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) vui vẻ cho hay: Chiếc váy tôi mua từ năm ngoái hơi dài, chỉ cần 5 phút đợi, tôi đã có một bộ cánh mới hợp ý hơn… tốn chỉ 5.000 đồng. Thật là rẻ, nhanh, tiện.

Hỏi về thu nhập, phần lớn thợ sửa quần áo đều cho rằng, nghề này không giàu… chỉ đủ xài. Ai khéo tay, sáng tạo ắt hẳn khách tự tìm tới. Để cạnh tranh và sống được với nghề, cánh thợ may giữ khách bằng cách sửa đồ đẹp, trả đúng hẹn, giá cả bình dân. Hiện nay, gần như các shop thời trang đều có thêm dịch vụ sửa đồ. Những thợ may phải luôn cập nhật thêm kiến thức thời trang, cốt nắm được thị hiếu của số đông để… dễ mưu sinh. Nghề này sợ nhất ngày mưa và mong ngày Tết. Vào mùa Tết, lượng khách, công việc tăng gấp đôi, thu nhập của cánh thợ kéo theo, tăng gấp bội. Gần chợ Tháp Chàm (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), tiệm sửa quần áo của chị Loan ngày nào cũng đông khách. Là người có thâm niên 10 năm với nghề, lại có kinh nghiệm sửa nhiều loại đồ, giá cả lại khá “mềm”, nên dịp giáp Tết, tiệm của chị càng đông khách. Chị cho biết: Trong những ngày cận Tết phải chạy đua với thời gian để kịp giao đồ cho khách. Nghề này đòi hỏi sự tận tâm, đôi khi có thể “hô biến” quần áo cũ, lỗi mốt thành đồ mới, đẹp, hợp thời trang trong thoáng chốc. Thu nhập mỗi ngày 200.000 đồng, vào mùa Tết, có thể kiếm gấp đôi.

Một nghề tưởng bình thường nhưng có ý nghĩa lớn trong việc gìn giữ vẻ đẹp cho muôn người, lại đẫm đầy tinh thần cần cù, chịu khó lao động. Nét đẹp từ những những người lao động bình dị này như tỏa ra, ấm lòng người phút xuân sang. Ngoài kia, những thợ may đường phố đang cần mẫn mưu sinh trong một mùa bội thu nhất năm, mùa Tết…