Hải sản “lạ” thiếu an toàn
Chiều 3-2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận 2 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm: ông Nguyễn Đăng Dũng (47 tuổi, ngụ tại khu phố 6, phường Đạo Long) và ông Phạm Tấn Sơn (49 tuổi, ngụ tại khu phố 7, phường Đô Vinh) nhập viện với các triệu chứng tê môi, tê lưỡi và khó thở. Qua điều tra ban đầu của ngành Y tế, vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra do sử dụng thực phẩm tại quán ăn của ông Nguyễn Văn Thông, số nhà 60/14, đường Tô Hiệu, phường Kinh Dinh, Tp. Phan Rang–Tháp Chàm.
Theo ông Nguyễn Thái Bình người cùng ăn tại quán, mấy anh em có gọi các món cá khô, rượu trắng ngâm tàn ong. Riêng ông chỉ uống rượu, không ăn cá khô, nên không sao. Hai ông bạn tôi về nhà được một lúc thì bị ngộ độc phải nhập viện. Do đó, nguyên nhân nhiều khả năng do món cá khô có độc tố.
Không lâu sau đó, tối 5-2, tại huyện Ninh Hải cũng đã xảy ra vụ ngộ độc do ăn cá nóc, làm ông Trần Tiến và Lê Văn Nghiêm đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng tê tay, tê chân. Theo người nhà kể lại, khi đánh được cá nóc vàng về, hai cha con ông Tiến cùng nấu ăn tại nhà. Một lúc sau, thấy có biểu hiện bất thường đã phải nhập viện gấp. Rất may, cả 4 trường hợp đều được cấp cứu kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch.
Tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo
Sau khi nhận được thông tin vụ ngộ độc thực phẩm, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương làm rõ nguồn gốc gây ngộ độc. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tiến hành lấy 4 mẫu thực phẩm gồm: cá khô, mực khô, rượu trắng gửi Viện Pasteur Nha Trang kiểm nghiệm và xác định nguyên nhân ngộ độc.
Theo ông Bùi Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Y tế, để phòng ngừa xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân và các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn không kinh doanh và sử dụng những sản phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng, đặc biệt là những hải sản lạ và các loại cá khô…
Anh Tuấn