Dán quảng cáo trên cột điện, “gỡ” hoài không hết?

(NTO) Những tờ quảng cáo được dán chằng chịt trên cột điện, trụ đèn tín hiệu giao thông,… đã trở thành chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Tuy UBND Tp.Phan Rang – Tháp Chàm đã triển khai nhiều giải pháp xử lý nhưng vẫn không thể “trị” dứt điểm tình trạng này.

Kiểu quảng cáo như thế không những gây mất mỹ quan đô thị, mà còn khiến người đi đường bị phân tán sự tập trung trong khi điều khiển phương tiện giao thông. Cứ vào các dịp lễ, tết, hoặc những khi tỉnh nhà diễn ra sự kiện quan trọng,… ngành chức năng lại huy động đoàn viên thanh niên cùng cơ quan quản lý gỡ bỏ những tờ quảng cáo này. Thế nhưng, cứ hôm trước gỡ, hôm sau lại có người khác dán lên…

 
Dán quảng cáo trên cột điện, trụ đèn tín hiệu giao thông là hành vi vi phạm pháp luật, bị phạt từ 1 đến 2 triệu đồng.

Xuất phát từ nhu cầu xã hội, đầu năm 2014, UBND Tp.Phan Rang – Tháp Chàm đã lắp đặt 4 bảng quảng cáo rao vặt miễn phí tại chợ Phan Rang, chợ Thanh Sơn, trước trường Tiểu học Bảo An 2 và gần chợ Đô Vinh. Tuy nhiên, sau gần 1 năm lắp đặt, những tấm bảng này vẫn chỉ được sử dụng như một “cây cột” khác của người quảng cáo. Chưa kể, 4 tấm bảng quảng cáo lại nằm ở vị trí ít được chú ý, trong khi “lợi thế” dễ tiếp cận của những cột điện, trụ đèn giao thông lại cao hơn rất nhiều.

Tại khoản 1, điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo” nêu rõ: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kim Khánh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin Tp.Phan Rang – Tháp Chàm, việc xử phạt các đối tượng vi phạm là rất khó, vì không “bắt quả tang” các đối tượng dán quảng cáo nên không thể xử phạt được. Khi liên hệ vào số điện thoại ghi trên các tờ quảng cáo để làm việc trực tiếp thì các đối tượng này “chối” và nói rằng không biết gì cả, không chịu ký vào biên bản xử phạt. Các đối tượng này cũng thường chọn khung giờ vắng vẻ để thực hiện nên rất khó “bắt tận tay”.

Có thể thấy, nhu cầu quảng cáo là chính đáng, nhưng dán quảng cáo ở cột điện, trụ đèn tín hiệu giao thông là vi phạm pháp luật. Đa phần người dân vẫn chưa ý thức được điều này, cộng với thói quen tùy tiện, xuề xòa trong văn hóa ứng xử nơi công cộng khiến không ít người chọn cách quảng cáo thiếu văn minh, ảnh hưởng đến hình ảnh “xanh, sạch, đẹp” của thành phố. Vì vậy, đi đôi với công tác tuyên truyền, ngành chức năng cần có những biện pháp “mạnh tay” hơn để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời tìm cách giải quyết nhu cầu quảng cáo một cách hợp lý hơn.