Vấn đề hôm nay:

Phòng bệnh vẫn hơn!

(NTO) Tỉnh ta là một trong những thị trường tiêu thụ truyền thống các loại đặc sản rau, củ, quả của Đà Lạt (Lâm Đồng) bởi không chỉ là hai địa phương liền kề, chỉ cách nhau trên 100km mà còn do chất lượng nhiều loại nông sản ở đây ít có nơi nào sánh bằng.

Tuy nhiên, gần đây nhiều người tiêu dùng trong tỉnh đã tỏ ra băn khoăn trong việc lựa chọn các loại rau, củ của… Đà Lạt trong bữa ăn hằng ngày trước những thông tin có phần “khá dày” về nhiều nông sản của Trung Quốc đã có mặt tại xứ sở “sương mù” này và có nguy cơ “đánh bật” nông sản tại địa phương khỏi thị trường nói chung và ngay cả trên “sân nhà” do giá quá rẻ, trong đó có sự cộng tác tích cực của một số người buôn bán tại các vựa, chợ trung tâm...

Người tiêu dùng chọn mua rau, củ, quả tại các siêu thị. Ảnh: Sơn Ngọc

Quả thật, hàng nông sản Trung Quốc có “sức mạnh” đáng kể!. Đà Lạt được biết đến với những nông sản “tên tuổi” như khoai tây, súp lơ xanh, bắp sú, cà rốt…, đặc biệt là dâu tây. Gọi là “tên tuổi” bởi sức “lan tỏa” trong toàn quốc và chỉ nghe tên là chọn mua mà không cần phải “băn khoăn” về nguồn gốc, xuất xứ. Đó là chuyện trước đây, còn nay “thật giả lẫn lộn” làm cho nhiều người tiêu dùng không chỉ riêng Ninh Thuận mà rất nhiều địa phương trong cả nước phải thận trọng khi chọn hàng. Ngay tại “thủ phủ” của các loại rau, củ, quả đặc sản này, nếu không tinh ý thì sẽ “dính” ngay hàng Trung Quốc. Công nghệ làm giả cũng khá tinh vi. Đơn cử như khoai tây Trung Quốc được “nhập” về Đà Lạt sau đó được thương lái rửa sạch, chà lên lớp đất đỏ cho giống khoai “chính gốc” rồi tỏa đi tiêu thụ tại các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Hay như dâu tây Đà Lạt chính hiệu giá khá cao nhưng của Trung Quốc bán tại Đà Lạt giá chỉ vài mươi nghìn đồng, thấp hơn gần chục lần so với cây trồng này tại địa phương. Có doanh nghiệp chuyên kinh doanh nông sản của Đà Lạt cũng phải “lắc đầu” trước tình trạng này và đã, đang lo ngại trước sự mất dần thương hiệu của nông sản trong nước.

Câu hỏi mà nhiều người tiêu dùng đặt ra: Vậy nông sản Trung Quốc có gì không tốt? Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, đa số nông sản Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép như nho, mận, lựu, đặc biệt là táo Trung Quốc bị phát hiện bọc túi tẩm thuốc sâu độc hại từ lúc còn non đến lúc chín để trừ nấm, hoặc phát hiện trái lê Trung Quốc nghi nhiễm chất gây vô sinh… Theo cơ quan chuyên môn, có đến hơn 2.000 loại hóa chất dùng trong bảo vệ thực vật, thế nhưng hiện nay nước ta mới đủ điều kiện phát hiện khoảng 600 loại mà thôi. Thực ra, vài năm trở lại đây tâm lý người tiêu dùng trong tỉnh đã rất “ngại” sử dụng hàng hóa, nông phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc. Thế nhưng làm sao để phát hiện không mua nhầm thì ngoài kiến thức của người mua còn có trách nhiệm của cơ quan chức năng trong tỉnh. Tuy nhiên, qua thực tế dường như các ngành chức năng, liên quan còn khá thờ ơ từ cung cấp thông tin, khuyến cáo đến kiểm tra tại các chợ… để có biện pháp xử lý nếu phát hiện, đồng thời cảnh báo cho cả người bán và người tiêu dùng.

Tết Ất Mùi-2015 đang gần đến cũng đồng nghĩa với nhu cầu tiêu thụ hàng nông phẩm rất lớn trong các gia đình. Do vậy đề nghị các ngành chức năng, liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh, đừng để người tiêu dùng “ tự bơi” trước “thật–giả” lẫn lộn trên thị trường. Và trên tất cả là người tiêu dùng cần nâng cao hơn nhận thức về chọn rau, củ, quả… để tránh mua phải hàng kém chất lượng mà lo âu. Cho nên nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh” là vậy.