Doanh nghiệp vận tải hành khách "rục rịch" giảm giá cước

(NTO) Từ tháng 7-2014 đến nay, giá xăng dầu liên tục giảm, từ mức 23.500 đồng/lít hiện còn hơn 15.000 đồng/lít. Vừa qua, Liên Bộ Tài chính-Giao thông vận tải đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo ngành Giao thông vận tải tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp, đơn vị vận tải phải kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với điều kiện thực tế.

Mặc dù giá xăng dầu giảm sâu hơn 40%, nhưng tình hình thực hiện giảm giá cước vận tải của các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh còn chậm, mức giảm chưa tương xứng.

Theo số liệu của Phòng Giá-Công sản, Sở Tài chính, hiện 11/11 doanh nghiệp vận tải hành khách đăng ký tuyến cố định trên địa bàn tỉnh đã kê khai giảm giá cước vận tải, mức giảm dao động trong phạm vi từ 3%-8,4%. Một số doanh nghiệp có mức giảm giá thấp như: Công ty TNHH TM-VT Quê hương, Công ty TNHH VT-DL Tân Hoàng Anh, Công ty CP ĐT-XD Hoàng Nhân chỉ giảm 3%; mức giảm cao nhất là HTX Ô tô số 1 giảm 8,4% cho tuyến Ninh Thuận-Đà Lạt và ngược lại. Mức giảm thấp khiến hành khách bức xúc. Anh Nguyễn Thế mua vé tại Bến xe Ninh Thuận đi tuyến Ninh Thuận-TP. Hồ Chí Minh cho biết: Giá xăng giảm gần một nửa, vậy mà giá vé chỉ giảm có 5.000 đồng/vé, đáng là bao đâu!

Trong khi, hành khách chưa hài lòng về mức giảm giá vé như hiện nay, thì không ít doanh nghiệp vẫn kêu lỗ. Giải thích về nguyên nhân mức giảm giá cước thấp, anh Nguyễn Xuân Diệp, Giám đốc Công ty TNHH TM-VT Hoàng Anh cho biết: Công ty chúng tôi đã giảm giá vé từ 160.000 đồng xuống còn 150.000 đồng/vé. Thực tế thì chi phí xăng dầu chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi phí vận tải. Ngoài ra, còn có rất nhiều chi phí khác như: phí đường bộ, thuế, khấu hao phương tiện…. chưa kể thời gian qua hành khách đi lại rất ít, thậm chí có ngày chỉ đạt 50% năng lực vận tải. Nếu giảm nữa thì nhà xe không có lời, thậm chí là lỗ. Nếu nhà xe hoạt động hết năng lực, thì giá vé giảm khoảng 12% mới là hợp lý.

Ngoài các doanh nghiệp vận tải hành khách đăng ký tuyến cố định, các hãng taxi cũng đã giảm giá cước từ 10-20%, tuy nhiên cũng rất chậm. Công ty TNHH Hatida Ninh Thuận (Taxi Phan Rang) giảm giá cước taxi từ 10-14% (tùy vào từng loại xe). Tuy nhiên, giá dịch vụ mới cũng chỉ được áp dụng từ ngày 17-1-2015. Anh Nguyễn Tùy Vũ, Giám đốc công ty cho biết: Sở dĩ chúng tôi giảm giá cước chậm là do trong thời gian qua, mặc dù giá xăng tăng nhiều lần nhưng chúng tôi không tăng giá cước. Ngoài ra, mỗi lần kê khai giảm giá cước chúng tôi lại phải đưa xe đi kiểm định, chi phí hết sức tốn kém. Tuy nhiên, từ nay đến Tết Nguyên đán, công ty dự định giảm thêm một đợt nữa để phục vụ nhu cầu và thu hút khách trong dịp Tết.

Nhằm siết chặt công tác quản lý, thời gian tới, Sở GTVT sẽ phối hợp với các ngành chức năng tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc kê khai, giảm giá cước vận tải của các doanh nghiệp, đặc biệt từ nay đến trước Tết Nguyên đán. Ông Trần Minh Từ, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Trước tiên, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp vận tải hành khách có thực hiện giảm giá cước như đã kê khai, tiếp đến là các doanh nghiệp đã giảm giá cước nhưng ở mức thấp. Qua đó, sẽ cùng doanh nghiệp xây dựng mức giảm giá cước phù hợp.

Riêng đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, hành khách theo hợp đồng, do giá cước không phụ thuộc vào quy định của Nhà nước nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo của Sở GTVT, ngành cũng sẽ vận động các doanh nghiệp có mức giảm giá cước hợp lý làm sao để vừa có lợi cho cả khách hàng và doanh nghiệp, đồng thời phù hợp với tình hình giá nhiên liệu giảm sâu như hiện nay.