Theo số liệu của ngành Nông nghiệp, hiện lượng nước tích tại 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ còn trên 44 triệu m3, bằng 23,08% dung tích thiết kế và thấp hơn so cùng kỳ năm trước trên 101,5 triệu m3. Thiếu nước không chỉ tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực sản xuất khác cũng như đời sống dân sinh. Chỉ tính riêng vụ đông – xuân này – vụ sản xuất chính trong năm – diện tích gieo trồng đã giảm trên 14%, trong đó cây lúa đã giảm trên 18% so cùng vụ năm trước. Nhiều cây trồng khác như bắp giảm 4,1%, cây lấy củ giảm trên 53% diện tích…Phần lớn diện tích sản xuất hiện nay chủ yếu dựa vào hệ thống thủy lợi Nha Trinh – Lâm Cấm hưởng lợi từ nguồn xả từ hồ Đơn Dương qua thủy điện Đa Nhim.
Nông dân xã Phước Trung (Bác Ái) chủ động đào ao bơm tưới cây trồng vụ đông xuân 2014- 2015.
Ảnh: Sơn Ngọc
Nhiều diện tích còn lại phụ thuộc vào lượng nước còn tích ở các hồ chứa nên tuy các địa phương có điều chỉnh thu hẹp diện tích nhưng cũng rất lo ngại sẽ thiếu nước nếu như từ nay đến cuối vụ không có mưa. Điều cũng đáng quan tâm nữa là thiếu nước sẽ dẫn đến thiếu thức ăn và nước uống cho đàn gia súc với trên 310 ngàn con. Không những vậy, nắng hạn còn dẫn đến “tiềm ẩn” nhiều dịch bệnh… Đến nay, một số địa phương vùng “tâm hạn” chủ yếu ở các xã miền núi, vùng cao đã phải sử dụng nguồn nước từ nơi khác chở đến hoặc được địa phương cung cấp theo định kỳ hoặc tự xoay xở. Nếu tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến các bệnh nhất là về đường ruột do không có nguồn nước và sinh hoạt hợp vệ sinh…
Vấn đề đặt ra là chống hạn như thế nào để căn cơ và có hiệu quả?. Được biết, ngành NN & PTNN tỉnh đã có phương án chống hạn khá chi tiết từ nay đến vụ hè – thu; bảo đảm nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, các phương pháp phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm…Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Kết luận số 491-TB/TU về công tác chống hạn trên địa bàn tỉnh. Kết luận nêu rõ, các cấp, ngành, các đơn vị, địa phương phải xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn một cách cụ thể, phù hợp với tình hình, điều kiện, khả năng của từng địa phương, đơn vị với mục tiêu không để dân đói, không để dân khát. Trong điều kiện xảy ra nắng hạn gay gắt cần tập trung ưu tiên giải quyết nước uống, sinh hoạt cho người dân; nước uống cho gia súc… Tập trung khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng ít sử dụng nước tưới, có khả năng chống hạn cao gắn với việc áp dụng các mô hình sản xuất tiết kiệm nước. Đây là việc cấp bách, đồng thời cần có phương án dài hạn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện của tỉnh.
Thiết nghĩ, vấn đề “căn cơ” trong chống hạn chính là khai thác lợi thế ngay trong bất lợi để phát triển bền vững, trong đó đầu tiên vẫn là chuyển đổi cơ cấu cây trồng chịu hạn phù hợp.
Tuấn Dũng