Chợ phiên Phước Tiến

(NTO) Với tập tục và thói quen sinh hoạt “tự túc, tự cấp”, không mua bán tại chợ mà chỉ trao đổi sản phẩm nông nghiệp của mình làm ra giữa các hộ dân với nhau hoặc nếu có nhu cầu thì đưa ra các hàng quán để đổi lấy ít hàng hóa, vật dụng cần thiết, nên nghe chuyện bà con Raglai đi buôn bán ở chợ có vẻ như khó tin và mới lạ. Thế nhưng, nếu có dịp đến với chợ phiên ở xã Phước Tiến (huyện Bác Ái) vào mỗi ngày thứ 6 hàng tuần thì chuyện ấy dường như diễn ra rất đỗi bình thường trong hơn 3 năm qua.

Từ ngã ba Ninh Bình, thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) đi dọc theo tuyến Quốc lộ 27B, Phước Tiến là điểm đầu tiên của huyện miền núi Bác Ái, xã nằm cách trung tâm huyện khoảng 10km, với gần 4.000 nhân khẩu, trong đó hơn 85% là đồng bào dân tộc Raglai. Vào năm 2012, được sự hỗ trợ của dự án “Tăng cường tiếp cận thị trường và khuyến khích giúp đỡ phụ nữ Raglai làm chủ kinh tế" do tổ chức Oxfam tài trợ, mô hình chợ phiên ở xã Phước Tiến được hình thành và từ đó đến nay mô hình đang ngày càng đi vào hoạt động khá hiệu quả, thu hút đông đảo bà con Raglai (chủ yếu là phụ nữ) mang hàng hóa đến tham gia buôn bán.

 
 
Hoạt động buôn bán tại chợ phiên xã Phước Tiến (Bác Ái).

Có mặt tại chợ phiên của xã Phước Tiến vào ngày thứ 6 trung tuần của tháng cuối năm, chúng tôi ghi nhận một không khí buôn bán khá sôi nổi, chẳng khác gì với những phiên chợ thường ngày ở các xã đồng bằng. Cảnh trao đổi, buôn bán giữa người bán và người mua khá rôm rả, nhộn nhịp. Chị Pi-năng Thị Giao, thôn Đá Bàn, một trong những hộ đăng ký tham gia buôn bán tại chợ phiên cho biết: “Trước đây nếu muốn dùng cái gì thì mình chỉ biết mang bắp trao đổi tại các quán trong làng, đôi khi mua nợ nhiều thứ quá thì chủ quán cho đến mùa thu hoạch mang nông sản ra trả sau, nếu năm nào mất mùa không thu hoạch được thì mình bán gà, bò để trả. Nay xã mở chợ phiên mình rất vui, có cán bộ hướng dẫn mình đi hái lá bép, hái củ quả, đan gùi, rổ bằng mây tre mang ra chợ bán lấy tiền để mua thứ khác, nhờ vậy sau mỗi phiên chợ mình cũng có thêm tiền để chi tiêu và mua thêm một số thứ cần dùng cho gia đình”. Theo anh Võ Văn Hùng, cán bộ phụ trách quản lý chợ phiên cho biết, khi mới bắt đầu tổ chức họp chợ thì định kỳ mỗi tháng chỉ 1 lần, những buổi chợ đầu tiên đa số bà con còn rất lúng túng, ai cũng chưa quen với cách mua bán, trao đổi bằng việc cân đo, đong đếm và thu chi theo giá tiền nên cán bộ xã phải “cầm tay chỉ việc” từng bước. Sau những buổi họp chợ, xã thường tổ chức họp rút kinh nghiệm, hướng dẫn bà con cụ thể hơn về cách mua bán cũng như định hướng về các mặt hàng sản xuất để đáp ứng với thị trường. Ngoài ra, để giúp chị em phụ nữ nâng cao hiệu quả buôn bán, xã còn thành lập các nhóm liên kết hợp tác sản xuất, chăn nuôi, buôn bán nhằm nâng thu nhập cho các thành viên của mỗi nhóm sau mỗi phiên chợ, từ đó thu hút nhiều chị em trong xã đến đăng ký buôn bán tại chợ. “Qua từng phiên chợ, các hộ đồng bào tại địa phương tham gia ngày càng nhiều, đặc biệt kể từ khi có chợ mới được đầu tư xây dựng khang trang từ tháng 2-2013 số lượng hộ gia đình đăng ký buôn bán tại chợ đã tăng rõ rệt, đến nay chợ hoạt động được 4 phiên hàng tháng vào mỗi ngày thứ 6 hàng tuần, với gần 70 hộ dân đăng ký buôn bán” - anh Hùng cho biết thêm. Chị Pi-năng Bếnh, thành viên nhóm buôn bán thôn Trà Co 2, xã Phước Tiến bắt đầu đăng ký tham gia chợ phiên từ tháng 3-2014 hớn hở: “Lúc vừa đăng ký buôn bán mình cũng hơi lo, không biết trao đổi giá cả bao nhiêu với khách hàng là vừa, nhưng sau khi tham gia tập huấn các lớp về kỹ năng bán hàng, định giá sản phẩm, bày biện hàng hóa...do xã tổ chức mình đã biết cách làm và tự tin hơn. Sau mỗi phiên chợ mình thu nhập từ 300.000 đến 400.000 đồng”. Cũng theo chị Bếnh, kể từ ngày tham gia phiên chợ gia đình chị đã biết đầu tư mua các mặt hàng nông sản như bí đao, cây đậu…về trồng để thu hoạch đem bán mỗi khi họp chợ.

Để cho các hộ đồng bào Raglai dần thuần thục những kỹ năng trong việc giao thương, mỗi phiên chợ, xã đều cử cán bộ phụ trách theo dõi chỉ dẫn cho bà con một cách tận tình. Để bà con có thêm sự tự tin trong việc giao tiếp, buôn bán trao đổi với người dân từ các huyện khác, địa phương cũng tạo mọi điều kiện, tuyên truyền kêu gọi được gần 20 hộ dân là người Kinh tham gia một số mặt hàng như áo quần, thực phẩm, đồ gia dụng…vào phiên chợ mỗi tuần. Theo đồng chí, Hoàng Văn Đặng, Chủ tịch UBND xã Phước Tiến, hoạt động của chợ phiên đã và đang tạo được một môi trường hướng dẫn bà con dần làm chủ kinh tế khi tham gia vào thị trường, nếu nói đây là mô hình đã góp phần giảm nghèo thì thật chưa đúng nhưng với địa phương, đây là cơ hội và là “đòn bẫy” rất lớn cho bà con Raglai vươn lên phát triển kinh tế. Có thể nhìn thấy, cái được nhất của chợ phiên chính là đã giúp bà con nhận thức được ý nghĩa kinh tế trong việc giao thương, từ đó chủ động hơn trong việc tham gia buôn bán. Cũng theo chia sẻ của đồng chí Chủ tịch UBND xã, với những hiệu quả “bất ngờ” từ chợ phiên, chính quyền xã Phước Tiến cũng đang “tham vọng” xóa bỏ phiên chợ hàng tuần, dần hình thành chợ hoạt động hàng ngày trong năm 2015.

Được xem là mô hình chợ phiên đầu tiên trên địa bàn tỉnh ta, chợ phiên Phước Tiến qua 3 năm đi vào hoạt động đã cho thấy những hiệu quả rất rõ nét. Phiên chợ đã giúp đồng bào dân tộc Raglai hòa nhập rất nhanh vào việc làm chủ kinh tế, biết nắm bắt và định hướng thị trường sau mỗi phiên chợ, từ đó tạo được nguồn nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, làm thay đổi bộ mặt nông thôn của các xã miền núi.