Khởi sắc vùng cao Phước Hà

(NTO) Trong tiết trời đầu xuân, chúng tôi ngược đường theo hướng Tây Nam tìm về vùng đất anh hùng Phước Hà của huyện Thuận Nam. Từng là căn cứ địa cách mạng, gắn liền với những chiến công oanh liệt của tỉnh, Phước Hà hôm nay đang từng bước chuyển mình, bà con dân tộc Raglai cùng nhau nỗ lực vượt khó, xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới.

 
Hệ thống giao thông xã Phước Hà (Thuận Nam) được đầu tư xây dựng,
đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Sau giải phóng, xã Phước Hà được xác lập lại từ các xã Giá, Là A, Rồ Ôn và xác nhập mới thôn Trà Nô, với kế hoạch tái định canh, định cư cho bà con đồng bào Raglai nơi đây có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đồng chí Kiều Thanh Nhõa, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hà phấn khởi, cho biết: Lúc mới xác lập, do phong tục tập quán sinh sống và lao động theo phương thức du canh, du cư; kỹ thuật canh tác lạc hậu, dựa chủ yếu vào nước trời nên đời sống bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 70% dân số. Năm 2002, hồ Tân Giang được hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân trong vùng từng bước “chuyển mình”. Có nước, các chương trình khuyến nông bắt đầu lên Phước Hà; bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lấy cây lúa thay thế cây bắp, cây đậu… Đặc biệt, từ năm 2006 đến nay, nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, thông qua các Chương trình 134, 135, 167… rất nhiều công trình phúc lợi xã hội: điện, đường, trường, trạm trên địa bàn xã được đầu tư khang trang, phục vụ nhu cầu dân sinh của người dân. Một trong số đó có thể kể đến khu tái định cư Tân Hà với hàng chục căn nhà được xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu ăn ở, sản xuất cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa xây dựng hồ đập, hộ dân chưa có đất ở, nhà ở hoặc sống trong vùng sạt lở, ven sông suối… Nhờ vậy, đời sống kinh tế những năm gần đây của người dân Phước Hà dần chuyển biến theo hướng tích cực. Chỉ tính riêng năm 2014, tổng diện tích gieo trồng của xã đạt trên 1.370 ha (trong đó cây lúa 464 ha, năng suất bình quân đạt 5 tạ/sào); tổng sản lượng lương thực đạt trên 3.700 tấn; tổng đàn gia súc trên 2.980 con. Các mô hình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; bê-tông đường nội thôn, nội đồng; mô hình “3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất lúa; mô hình nuôi bò vỗ béo; các chương trình cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, dạy nghề… được địa phương quan tâm chú trọng, tạo tiền đề, “bệ phóng” để nông dân đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

 
 
Các em học sinh tham gia lớp học “Truyền dạy nhạc cụ mã la cổ“ ở Phước Hà.

Về Phước Hà hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da, đổi thịt của địa phương. Nhờ các chương trình, dự án đầu tư, hầu hết các tuyến đường giao thông nội thôn được bê-tông hóa khang trang, sạch đẹp; toàn xã có hơn 600 căn nhà được xây dựng kiên cố; phần đông mua xe máy phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản; trên 90% số hộ gia đình sử dụng lưới điện quốc gia; 100% dân số được khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế.

Đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, số hộ nghèo năm 2015 giảm xuống còn 34,4% (giảm 4,3% so với năm 2014). Đặc biệt, nhờ việc thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, trong năm 2014 toàn xã Phước Hà có 134 hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí lắp đặt đồng hồ nước, đường ống dẫn nước đến tận nhà (1,3 triệu đồng/hộ); các hộ khá giả “tự thân vận động”, bỏ tiền lắp đặt hệ thống ống nước… Nhờ vậy, toàn xã có trên 80% số hộ được sử dụng nước sạch sinh hoạt, bà con phấn khởi vì không còn lo gùi nước cực nhọc mỗi khi mùa khô tới gần.

Kinh tế ổn định nên bà con nhân dân Phước Hà ngày càng quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Toàn xã hiện có 5 điểm trường mẫu giáo, TH, THCS, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của 643 học sinh. Các trường được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất đảm bảo việc dạy và học. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm dần, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt trên 98%. Hiện địa phương có gần 20 em đang theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”… được người dân hưởng ứng nhiệt tình.

Chia tay Phước Hà, chạy xe trên tuyến đường bê-tông khang trang, sạch đẹp, uốn lượn giữa cánh đồng lúa xanh mướt, chúng tôi tin rằng vào một ngày không xa, nơi đây sẽ ngày thêm khởi sắc. Bà con Raglai chung sức, chung lòng, cùng nhau tạo nên một Phước Hà anh hùng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, ấm no, giàu đẹp.