Hội Nông dân xã Phước Chiến có 747 hội viên, sinh hoạt ở 5 chi hội. Nông dân trong xã chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai, đời sống còn nhiều khó khăn.
Ông Chamaléa Xưa, ở thôn Tập Lá áp dụng mô hình trồng xen canh chuối, mít,
dứa và mía trên 1 ha đất canh tác.
Để tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân xã đã chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KH-KT về trồng trọt và chăn nuôi (hướng dẫn chăn nuôi dê, cừu, bò vỗ béo; trồng lúa nước, bắp lai, chuối, mít…). Từ Dự án Hỗ trợ Tam nông, Hội đã cấp 60 con cừu sinh sản và 60 bò sinh sản cho 72 hộ nuôi. Hội còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho 258 hộ vay vốn gần 4 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Nhờ đó, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế bước đầu mang lại hiệu quả như: Mô hình trồng lúa nước, mô hình trồng xen canh cây ăn quả (chuối, mít, dứa) trên đồi dốc, mô hình chăn nuôi dê, cừu, bò vỗ béo.
Năm 2014, toàn xã có 51 ha trồng lúa, giống ML 202, TH6. Nhờ áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, nên năng suất đạt bình quân 4-5 tấn/ha, cây bắp đạt 2-2,5 tấn/ha, cao hơn nhiều so với trước đây. Tổng đàn gia súc trên địa bàn xã đến nay cũng tăng lên 4.843 con, đạt 107% kế hoạch năm. Nhờ kết hợp mô hình trồng trọt và chăn nuôi nên đời sống của hội viên đã được nâng lên. Điển hình như hộ ông Chamaléa Xưa, ở thôn Tập Lá, với 1 ha đất trước đây trồng bắp và đậu, mỗi vụ chỉ cho thu nhập gần 2 triệu đồng, nay ông chuyển sang trồng xen canh 6 sào chuối với dứa, 4 sào mía và 150 cây mít nghệ. Cây mía và dứa đã cho thu hoạch vụ đầu được gần 30 triệu đồng, còn mít và chuối cũng đang phát triển tốt đến vụ tới sẽ cho thu hoạch.
Ông Chamaléa Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Chiến cho biết: Để vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, mở các lớp tập huấn kỹ thuật với hình thức “cầm tay chỉ việc” một ngày học lý thuyết, một ngày hướng dẫn thực hành cho bà con về cách phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả. Qua đó đã dần thay đổi được tập quán sản xuất kém hiệu quả trước đây sang thực hiện mô hình sản xuất mới, đạt năng suất cao, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nên được nông dân tin tưởng làm theo. Thời gian tới, Hội cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hội viên duy trì và nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả, tăng cường mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi nhằm nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác, góp phần xóa đói-giảm nghèo bền vững.
Diễm Trang