Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Toàn Hội hiện có 101.480 hội viên, sinh hoạt ở 412 chi hội, phần đông sống dựa vào nghề nông, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội chủ động bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chị em, rà soát, lên danh sách hội viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Chị Nguyễn Thị Hoài Thúy (thôn Thái Giao, xã Phước Thái, Ninh Phước)
có thu nhập ổn định nhờ nghề thêu tay.
Từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội, Hội đã tín chấp cho 41.345 gia đình vay vốn sản xuất, với tổng dư nợ đến nay trên 671 tỷ đồng. Năm 2014, Hội nhân rộng mô hình vay vốn chăn nuôi bò có “bảo hành” tại 2 xã Công Hải, Lợi Hải (Thuận Bắc), với số tiền 110 triệu đồng; xây dựng mới mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản tại thôn Xóm Đèn (xã Công Hải); phối hợp với Ban Phát triển Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, thẩm định và giải ngân 5,7 tỷ đồng quỹ “Phát triển kinh tế phụ nữ” cho 594 hộ, thuộc 45 nhóm đồng sở thích chăn nuôi bò, heo đen, dê, cừu và trồng nho, táo.
Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế, Hội còn chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn khuyến nông, bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới về trồng trọt, chăn nuôi, kỹ năng quản lý, sử dụng nguồn vốn; duy trì các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả… mở ra hướng làm ăn mới, giúp hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Hội phối hợp với Doanh nghiệp Tư nhân Phương Trâm (Lâm Đồng) tổ chức 13 lớp đào tạo nghề thêu tay cho 515 phụ nữ. Sau đào tạo, có 70 học viên nhận hàng về thêu, với mức thu nhập bình quân từ 1,5-2,5 triệu đồng/người/tháng; tư vấn nghề cho 3.699 chị, giới thiệu việc làm cho 5.212 chị, trong đó có 10 chị đi xuất khẩu lao động.
Từ nguồn vốn vay và kiến thức đã học, hội viên, phụ nữ trong tỉnh mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển nhóm cây trồng, vật nuôi chủ lực (gồm nho, táo, lúa, bắp, hành tỏi, bò, dê, cừu…); ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như chị Nguyễn Thị Kim Thoa, ở thôn Nhị Hà 2 (xã Nhị Hà, Thuận Nam). Hai năm trước, chị Thoa thuộc diện hộ cận nghèo của thôn. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Hội Phụ nữ xã chị Thoa được vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn Dự án Hỗ trợ Tam nông, gia đình góp thêm vốn mua 4 con bò về nuôi vỗ béo. Nhờ chăm sóc tốt, đàn bò phát triển nhanh, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hay như chị Vó Thị Ly, ở thôn Trà Nô (xã Phước Hà, Thuận Nam), trước đây 2 vợ chồng chị làm thuê, làm mướn nên cuộc sống khó khăn. Năm 2008, nhờ sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ xã, chị Ly vay Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 5,5 triệu đồng, mua 2 con bò cái về nuôi. Đến nay, đàn bò nhà chị đã tăng lên 8 con, gia đình trả hết nợ, cuộc sống ổn định.
Bằng những giải pháp cụ thể, năm 2014, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã giúp 554 nữ làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo. Đời sống ổn định, gia đình hạnh phúc, hội viên, phụ nữ ngày càng gắn bó hơn với tổ chức hội.
Phạm Lâm