Đồng chí Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để công tác giảm nghèo hiệu quả, xã đã triển khai lồng ghép đồng bộ các chương trình, chính sách hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các vốn vay để phát triển sản xuất. Mặt khác, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tập quán sản xuất manh mún sang tiếp cận các mô hình sản xuất mới, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nuôi bò sinh sản giúp nông dân Phước Vinh thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Hiện nay, phần lớn đất sản xuất được người dân trồng lúa, bắp, thuốc lá, mía, táo và các loại hoa màu khác. Trong đó, diện tích trồng lúa hơn 100 ha đang được chuyển đổi sang trồng các loại giống lúa mới ML49, ML44…và áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” vào sản xuất, cho năng suất bình quân đạt 6,5 tấn/ha/vụ. Địa phương cũng đã hình thành các vùng chuyên canh các loại cây trồng chủ lực với quy mô: bắp lai 450 ha, thuốc lá 35 ha và mía 40 ha. Thông qua hình thức “liên kết 4 nhà”, các cây trồng trên nâng cao về năng suất, ổn định đầu ra, thu nhập của người dân tăng lên. Trong niên vụ năm 2013-2014, địa phương đã hợp đồng với Công ty CP Giông cây trồng Nha Hố và Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố, Công ty Giống cây trồng Miền Nam trồng hơn 400 ha bắp lai, bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Các doanh nghiệp hỗ trợ giống, đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân canh tác đúng quy trình kỹ thuật. Với năng suất trung bình đạt 7-8 tấn/ha, tăng 30% so với trồng bắp giống cũ, bán với giá hơn 9.000 đồng/kg, nông dân thu lãi từ 50-60 triệu đồng/ha/vụ.
Anh Mang Tưởng, thôn Liên Sơn 2, thoát nghèo nhờ biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng liên kết. Trước đây, gia đình anh chủ yếu canh tác giống bắp địa phương nên năng suất chỉ đạt 2 tấn/ha. Từ khi được cán bộ xã vận động, hướng dẫn kỹ thuật, anh đã mạnh dạn chuyển 3 ha đất sang trồng bắp lai theo mô hình “liên kết 4 nhà” cho năng suất đạt trên 5 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí gia đình anh thu lãi trên 40 triệu đồng.
Bên cạnh đó, việc phát triển chăn nuôi theo hướng tăng chất lượng đàn gia súc, gia cầm cũng được địa phương khuyến khích, nhân rộng mô hình nuôi bò vỗ béo, nuôi dê, cừu sinh sản...Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn xã có hơn 12.000 con; trong đó, gia súc có sừng là 3.234 con, nhiều nhất là dê với 2.346 con, đàn bò với 2.035 con…tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho các hộ gia đình.
Thực hiện các giải pháp hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, địa phương đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quỹ tín dụng tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn sản xuất, với tổng dư nợ gần 40 tỷ đồng. Trong đó ưu tiên các hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp để đầu tư làm ăn; phối hợp với các ngành chức năng, doanh nghiệp, mở các lớp tập huấn, dạy nghề… Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể cử cán bộ xuống địa bàn thôn hướng dẫn bà con sử dụng vốn đúng mục đính, cách làm ăn phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế khá, điển hình như anh Mang Tiển, Bo Sử, Mang Lôm…
Với những nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự phấn đấu của nhân dân, công tác giảm nghèo tại xã Phước Vinh đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm từ 11,63% (đầu năm 2013) xuống còn 7,36% vào cuối năm 2014. Hiện địa phương đang phấn đấu đến cuối năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống chỉ còn 5%.
Tiến Mạnh