Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người

Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, văn hóa Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể, giúp chúng ta nắm bắt được các thời cơ và vượt qua một số nguy cơ.

Tuy vậy, như Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đã khẳng định: “Thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng”.

Biểu diễn văn hóa dân tộc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Ảnh minh họa: Tạp chí Làng Việt

Nhằm khắc phục những yếu kém nêu trên, đáp ứng yêu cầu mới mà sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước đang đặt ra, Nghị quyết Trung ương 9 lần này đã bổ sung và phát triển một số nội dung quan trọng. Ngay tên gọi của Nghị quyết đã gắn vấn đề văn hóa với con người: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đây là vấn đề vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn cực kỳ quan trọng. Vì vậy, khi xác định mục tiêu cụ thể của định hướng xây dựng và phát triển văn hóa, con người, Nghị quyết Trung ương 9 đặt lên hàng đầu việc “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn…”. Cũng nhằm gắn văn hóa với con người, trong việc xác định các quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ cụ thể, Nghị quyết Trung ương 9 khẳng định: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp…”.

Cùng với việc tập trung xây dựng con người là vấn đề xây dựng môi trường văn hóa, Nghị quyết nêu rõ: “Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống… Đưa nội dung giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân vào các hoạt động giáo dục của xã hội”.

Vấn đề văn hóa, như Bác Hồ đã dạy là “Không nằm ngoài chính trị và kinh tế”. Một chủ trương, chính sách về kinh tế-xã hội, khi được kết tinh, chưng cất bởi giá trị văn hóa, thì thường rất dễ tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội, từ đó thúc đẩy sự hình thành những sáng kiến, những kinh nghiệm hay của quần chúng nhân dân. Vì vậy, việc tập trung “Xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể… phải là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Đây cũng chính là một nội dung cơ bản của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm làm cho Đảng ta thực sự là “đạo đức, văn minh” và để cán bộ, đảng viên thực sự trở thành người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, cùng với những thời cơ, văn hóa dân tộc cũng đang đứng trước những thử thách, nguy cơ. Không phải ngẫu nhiên mà có nhà khoa học đã từng cảnh báo rằng, chiếc xe lexus (tượng trưng cho nền kinh tế thị trường trong xu thế toàn cầu hóa) đi đến đâu, thì rừng ôliu (tượng trưng cho văn hóa dân tộc) bị tàn phá đến đó!

Có phải chúng ta đã và đang chứng kiến tình trạng một bộ phận cư dân (trong đó có lớp trẻ), do thiếu hiểu biết, đã tỏ ra thờ ơ với các giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc hay không? Tình hình đang diễn ra ở nhiều quốc gia (đặc biệt đối với những nước đang phát triển) là các giá trị tinh thần chủ đạo của dân tộc-quốc hồn, quốc túy-đang có nguy cơ bị suy yếu. Trong tình hình đó, Nghị quyết Trung ương 9 đặt ra vấn đề phải “Huy động sức mạnh xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc”.

Trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào, tư tưởng, đạo đức, lối sống bao giờ cũng là phần cốt lõi của văn hóa. Nếu ví văn hóa của dân tộc như cái cây thì phần gốc rễ chính là tư tưởng, đạo đức, lối sống. Cây sống tươi tốt là nhờ gốc rễ bền vững. Khi gốc rễ bị thui chột thì sớm muộn cây sẽ khô héo. Vì vậy, trong nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam hiện nay, Nghị quyết Trung ương 9 nhấn mạnh: “Xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội”.

Nghị quyết Trung ương 9 về văn hóa đã kế thừa và hiện thực hóa tư tưởng trồng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thời đại chúng ta. Nhờ sự nghiệp trồng người của Bác, 70 năm qua, dân tộc ta đã bước sang thời kỳ lịch sử mới. Dù trước mắt, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã và đang đặt ra không ít những khó khăn và thách thức, nhưng bài học lịch sử của mấy thập kỷ qua vẫn còn đó. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh bất diệt của văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa giàu chất nhân văn, chủ nghĩa yêu nước, lòng vị tha và đức hy sinh vì nghĩa lớn. Các giá trị truyền thống cao đẹp đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, phát huy và phát triển, tạo nên nguồn sức mạnh nội sinh hùng mạnh, giúp dân tộc vượt qua mọi thách thức gian nguy.

Quân đội nhân dân mà đại bộ phận là lực lượng thanh niên ưu tú của dân tộc, được lớn lên từ chiếc nôi văn hóa của dân tộc, lại được Đảng ta và Bác Hồ trực tiếp lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, từ rất lâu được mang danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ-một biểu tượng văn hóa vừa gần gũi, thân thương, vừa cao quý của dân tộc Việt Nam. Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong lực lượng vũ trang nhân dân hôm nay chính là làm sống lại và rạng rỡ thêm danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ ở thời kỳ lịch sử mới- thời kỳ đất nước đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân