Cần quy định cụ thể số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ

Chiều 20/1, tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tổ chức Chính phủ.

Nhiều ý kiến của thành viên UBTVQH đề nghị quy định cụ thể số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ trong dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến, dự thảo Luật cần quy định cụ thể bao nhiêu bộ, cơ quan ngang bộ, trong đó quy định "cứng" một số bộ cụ thể như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính. Còn một số bộ khác có thể linh hoạt tùy theo điều kiện, phù hợp hoàn cảnh của đất nước, có thể chia tách, sáp nhập, hoặc thêm mới.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, tên dự thảo Luật là Luật Tổ chức Chính phủ nhưng phần tổ chức Chính phủ trong Luật còn mờ nhạt. Do đó, cần quy định cụ thể số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ. Cùng với đó, cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ, ngành như cách thiết kế trong Luật Tổ chức Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần làm rõ các cơ quan: Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; 2 đại học quốc gia; Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam có thuộc tổ chức Chính phủ hay không? Nếu không thì thuộc đâu? Ai quản lý?...

Có ý kiến đề nghị, xác định nguyên tắc trong việc xây dựng cơ cấu của Chính phủ; đề nghị quy định trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm có cả các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Một số ý kiến cho rằng, cần quy định cơ cấu và số lượng thành viên Chính phủ có tỷ lệ nữ là bao nhiêu, tỷ lệ dân tộc là bao nhiêu ngay trong Luật.

Về vị trí, chức năng của Chính phủ, một số ý kiến tán thành với quy định về vị trí, chức năng của Chính phủ như trong dự thảo Luật. Một số ý kiến khác đề nghị cần cụ thể hóa vị trí, chức năng của Chính phủ theo quy định của Hiến pháp, vì hiện nay, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành còn có sự chồng chéo, đề nghị có sự phân định rõ ràng, thống nhất lĩnh vực quản lý.

Đề cập đến nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu vấn đề: Quy định rõ thẩm quyền của Chính phủ với Thủ tướng Chính phủ; phân định rõ vai trò, trách nhiệm của tập thể Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ và các thành viên Chính phủ để bảo đảm có sự phân công rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm. Các thành viên Chính phủ sẽ phải chịu trách nhiệm gì trước các quyết định của mình?

Một số ý kiến đề nghị quy định rõ trong Dự thảo về địa vị pháp lý của Thủ tướng Chính phủ trong bộ máy nhà nước; quy định rõ trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng Chính phủ với tư cách người đứng đầu Chính phủ, phân định rõ hơn thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ; giữa Thủ tướng Chính phủ với các thành viên của Chính phủ; đề nghị quy định cơ chế ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, cần làm rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý và phát triển kinh tế. Trong dự thảo Luật có nêu: Chính phủ quyết định chính sách cụ thể thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt vấn đề, vậy chính sách cụ thể ở đây là gì? Cần phải giải thích rõ để tránh chồng chéo, vì có nhiều chính sách phải trình Quốc hội quyết định.

Có ý kiến đề nghị, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng thực hiện báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, cần quy định chế độ báo cáo của Chính phủ 1 lần/ năm, trình lên Quốc hội vào cuối năm; còn 1 lần là gửi lên Quốc hội giữa năm để Quốc hội xem xét, cho ý kiến quyết định.

Cũng trong buổi chiều, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật An toàn, vệ sinh lao động./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam