Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận thức được những hạn chế của lịch sử, những hạn chế của các trào lưu yêu nước Việt Nam và Người muốn tìm con đường cứu nước khác. Vì vậy, Nguyễn Tất Thành chọn cho mình hướng đi mới, đó là tìm cách đến các nước phương Tây, nơi có trào lưu Tự do, Bình đẳng, Bác ái để tìm kiếm phương pháp cứu nước mới. Khát vọng cháy bỏng, bầu nhiệt huyết căng tràn đã thôi thúc người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng vào ngày 5-6-1911 trên con tàu Latusơ Tơrêvin để bắt đầu cho cuộc hành trình đi tìm con đường cứu nước mới rồi sau này sẽ “trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành lại tự do, độc lập”
Trên đường hành trình cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đến Pháp và qua nhiều nước châu Phi, đến Mỹ, Anh…Tại Pháp, Người có nhiều hoạt động như tranh thủ diễn đàn, hội họp, mít tinh, sinh hoạt câu lạc bộ để tuyên truyền cho những người yêu nước Việt Nam và các nước thuộc địa khác. Với nhiệt huyết và ý chí cách mạng của tuổi thanh niên, Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra “Nhóm những người Việt Nam yêu nước” mà thành viên hầu hết là thanh niên, công nhân, binh lính (những người Việt Nam bị bắt đi lính cho Pháp), sinh viên…nhóm này hoạt động rất mạnh mẽ làm cho giới cầm quyền Pháp lo ngại.
Tàu Latouche Treville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành
ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn. Ảnh: TTXVN.
Nguyễn Ái Quốc đã gửi bản yêu sách tám điểm đến Hội nghị Vécxây đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận quyền tự do, dân chủ, bình đẳng và quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam. Sự kiện này như một quả bom chính trị nổ ngay giữa Paris đã thu hút sự quan tâm của những thanh niên yêu nước Việt Nam. Năm 1920, khi Nguyễn Ái Quốc đọc “Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lê nin và tham gia sáng lập ra Đảng Xã hội Pháp, từ đó Người kết luận “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đây là lời giải đáp duy nhất cho cách mạng Việt Nam và Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên tìm ra con đường cách mạng Việt Nam- con đường cách mạng vô sản.
Khi đã tìm ra con đường cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc hướng ngay hoạt động của mình vào công việc đầu tiên là truyền bá lý luận cách mạng về nước để làm chuyển biến phong trào đấu tranh giai cấp và dân tộc, quy tụ những người yêu nước Việt Nam và hướng họ theo con đường cách mạng vô sản. Với tấm lòng yêu nước, thương dân, Nguyễn Ái Quốc hiểu rất sâu sắc thực tiễn đất nước, xã hội, con người Việt Nam “đặc biệt là các tầng lớp thanh niên trí thức, học sinh, có tinh thần yêu nước nồng nàn, thiết tha mong muốn bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, khôi phục những giá trị tinh thần cao quý của con người Việt Nam bị bọn đế quốc phong kiến chà đạp. Họ tỏ ra thức thời và nhạy cảm với thời cuộc...”. Người đã mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu,Trung Quốc, phần lớn là những thanh niên yêu nước như Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đức Cảnh...để làm nòng cốt cho việc thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Hoạt động của các hội viên Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên – một tổ chức yêu nước cách mạng, có xu hướng cộng sản do Nguyễn Ái Quốc thành lập có vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng của Hồ Chí Minh. Các học viên được học tập ở Quảng Châu đã hấp thụ chân lý chủ nghĩa Mác Lênin như hấp thụ ánh sáng mặt trời để sau đó “bí mật về nước truyền bá lý luận giải phóng dân tộc và tổ chức nhân dân”. Những hoạt động tích cực của các hội viên Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên dẫn đến sự ra đời của các tổ chức cộng sản vào mùa thu năm 1929. Với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản, đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng, thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vô cùng quan trọng cho cách mạng Việt Nam, đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước và mở ra con đường cách mạng Việt Nam- cách mạng vô sản, là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và chủ nghĩa xã hội. Từ đây, những người yêu nước Việt Nam và lớp lớp thanh niên yêu nước đã quy tụ quanh ngọn cờ cứu nước Nguyễn Ái Quốc để từng bước đưa cách mạng Việt Nam giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công thủ tiêu hoàn toàn chế độ thực dân, phong kiến, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược có hàng triệu thanh niên- những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương, cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình cho sự nghiệp cao cả của dân tộc và của Đảng bởi vì họ biết rằng “hy sinh cho tổ quốc nghĩa là sống”. Những chiến công oanh liệt đó là do lớp lớp những thế hệ thanh niên Việt Nam đã được giác ngộ sâu sắc về mục tiêu, lý tưởng cách mạng, đoàn kết một lòng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng và Bác Hồ.
Sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những thế hệ thanh niên Việt Nam không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đi đến bất cứ đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì để phát triển kinh tế - xã hội. Hai phong trào lớn “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước” là trường học lớn xã hội chủ nghĩa để tiếp tục giáo dục và rèn luyện đoàn viên thanh niên nhằm tạo ra những hành động cách mạng góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng.
Hiện nay, cả nước đang thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đây là cơ hội tốt để giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên, đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi để toàn Đảng, toàn dân thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, đào tạo ra một lớp người kế cận có đủ đức, tài để gánh vác trọng trách của đất nước. Muốn vậy, cần phải trang bị cho thanh niên những chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, làm cho họ kế thừa được ý chí của các thế hệ cha anh, biến lý tưởng cách mạng thành ý chí cách mạng, thành động lực tinh thần mạnh mẽ, sống có trách nhiệm, có hoài bão ước mơ, không ngừng tiến công làm chủ khoa học công nghệ để chiến thắng đói nghèo lạc hậu, đưa sự nghiệp cách mạng dành thắng lợi. Bên cạnh đó, thanh niên phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi ý chí cách mạng, không ngừng vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức nhân loại để hoàn thiện mình và tiếp tục kiến định với lý tưởng cách mạng của Đảng, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta và Bác Hồ đã lựa chọn.
Nguồn Tạp chí Cộng sản