Một số vấn đề về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ - thành tựu, hạn chế và phương hướng, giải pháp khắc phục

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác cán bộ và xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cách mạng.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn “cán bộ là gốc của mọi công việc”(1) “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(2). Công tác cán bộ bao gồm nhiều khâu, từ tuyển chọn, nhận xét, đánh giá cán bộ đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Các khâu của công tác cán bộ là một thể thống nhất, có quan hệ mật thiết, chặt chẽ với nhau, tác động, thúc đẩy lẫn nhau vì thực hiện tốt khâu này sẽ là tiền đề và cơ sở để thực hiện tốt các khâu khác. Trong các khâu của công tác cán bộ, mỗi khâu có vai trò, vị trí quan trọng khác nhau, nên không được tuyệt đối hóa hay coi nhẹ bất cứ khâu nào.

Xuất phát từ vai trò, vị trí quan trọng của công tác cán bộ nói chung, công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ nói riêng, trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận về công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ, như Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII ra Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18-6-1997, về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Bộ Chính trị khóa IX ra Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25-01-2002, về “Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” và Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30-11-2004, về “Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ra Kết luận số 37-KL/TW, ngày 02-02-2009, về “Tiếp tục đẩy mạnh chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ra Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-01-2012, về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Bộ Chính trị khóa XI ra Kết luận số 24-KL/TW, ngày 05-6-2012, về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Để thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị về công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW, ngày 02-4-2002, Hướng dẫn số 47-HD/BTCTW, ngày 24-5-2005, Hướng dẫn số 50-HD/BTCTW, ngày 06-7-2005, Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW, ngày 21-10-2008, Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW, ngày 05-11-2012, về “Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Quán triệt chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ đã được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đưa công tác này từng bước đi vào nền nếp và đạt được một số kết quả tích cực bước đầu.

Những kết quả đạt được

Về công tác quy hoạch cán bộ:

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30-11-2004, của Bộ Chính trị khóa IX về “Công tác quy hoạch cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, công tác quy hoạch cán bộ đã được triển khai thực hiện ở các cấp, các ngành và đạt được một số kết quả tích cực trên các mặt chủ yếu sau:

- Các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nâng cao nhận thức về công tác quy hoạch cán bộ và coi đó là nhiệm vụ trọng yếu của công tác cán bộ. Khi mới triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị về quy hoạch cán bộ, không ít cấp ủy, tổ chức đảng còn băn khoăn, do dự về tính khả thi và hiệu quả của quy hoạch cán bộ. Một số ý kiến cho rằng, nếu công khai quy hoạch sẽ gây ra tình trạng đơn, thư nặc danh làm mất đoàn kết nội bộ, làm mất cán bộ hoặc quy hoạch cũng chỉ là hình thức; một số ý kiến khác lại cho rằng, quy hoạch cán bộ sẽ làm giảm sự phấn đấu của số đông cán bộ ngoài quy hoạch... Song, cùng với sự chỉ đạo cụ thể, sâu sát của Trung ương, sự quyết tâm của các cấp, các ngành, nhất là những kết quả bước đầu của công tác quy hoạch trong những năm vừa qua đã khẳng định Nghị quyết của Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ là đúng đắn và cần thiết; đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, góp phần khắc phục tình trạng bị động, lúng túng trong công tác cán bộ, nhất là mỗi khi tiến hành đại hội Đảng các cấp.

- Các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tích cực tổ chức thực hiện, từng bước đưa công tác quy hoạch cán bộ đi vào nền nếp, góp phần thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ. Hầu hết các cấp ủy, tổ chức đảng đã bám sát mục đích, yêu cầu, phương châm, nguyên tắc, quy trình đề ra trong các nghị quyết, hướng dẫn của Trung ương và tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng quy hoạch cán bộ gắn với nhiệm kỳ của cấp ủy, nhiệm kỳ của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp. Nhiều nơi đã ban hành nghị quyết chuyên đề, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai và thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện ở cấp dưới. Công tác quy hoạch cán bộ đã cơ bản bảo đảm sự đồng bộ từ dưới lên và tạo được nguồn cán bộ kế cận khá dồi dào, như mỗi chức danh cán bộ được quy hoạch từ 2 đến 3 người và một người có thể quy hoạch vào một số chức danh; lấy quy hoạch cấp ủy làm cơ sở để xây dựng quy hoạch các chức danh cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương; bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ và cơ cấu 3 độ tuổi. Đến nay, cả nước có trên 110.000 lượt cán bộ được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cấp, trong đó trên 1.100 cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Trung ương quản lý; trên 16.000 lượt cán bộ được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; trên 6.800 lượt cán bộ quy hoạch các chức danh diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý; trên 56.000 lượt cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý ở cấp huyện, sở, ngành thuộc tỉnh...

- Trong quá trình tiến hành công tác quy hoạch cán bộ, một số nơi đã có những cách làm mới, sáng tạo trong phương pháp và cách thức tiến hành, từng bước mở rộng dân chủ, công khai và đem lại hiệu quả thiết thực. Hầu hết các cấp ủy, tổ chức đảng đã tiến hành xây dựng quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý cho khóa tiếp theo vào năm thứ hai của nhiệm kỳ; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sắp xếp cán bộ; hằng năm tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch theo quy định. Do đó, công tác quy hoạch cán bộ từng bước được thực hiện nền nếp hơn, bảo đảm “mở” và “động”, góp phần thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch cán bộ cũng còn những mặt yếu, như việc xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ ở một số địa phương, đơn vị chưa căn cứ chủ yếu vào đánh giá cán bộ, chưa xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và năng lực thực tiễn của cán bộ, chưa gắn quy hoạch với đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, dẫn đến nhiều đề án quy hoạch còn hình thức, thiếu tính khả thi. Chất lượng quy hoạch cán bộ chưa cao, chưa đồng đều và hầu hết các đề án quy hoạch chưa có tầm nhìn xa, chưa bảo đảm cơ cấu 3 độ tuổi. Cơ cấu cán bộ trong quy hoạch chưa cân đối, ít cán bộ trẻ, cán bộ nữ; trình độ, ngành, nghề đào tạo của cán bộ ở nhiều nơi chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Nhìn tổng thể, quy hoạch cán bộ thời gian qua chưa có sự liên thông giữa cấp dưới với cấp trên, giữa địa phương với Trung ương, giữa các ngành, các lĩnh vực công tác...

Về công tác luân chuyển cán bộ:

Việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý là nhằm tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, giúp cho cán bộ có thêm kiến thức thực tế và phát triển nhanh, toàn diện hơn. Công tác luân chuyển cán bộ trong những năm qua đã đạt được một số kết quả chủ yếu sau:

- Các cấp ủy, tổ chức đảng đã nâng cao nhận thức và có chuyển biến tích cực trong tổ chức thực hiện công tác luân chuyển cán bộ. Hầu hết các cấp ủy, tổ chức đảng đã thấy rõ việc luân chuyển cán bộ là để đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, nhất là đối với cán bộ trẻ, nhằm chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ cho cả trước mắt và lâu dài. Nhiều cấp ủy đã xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện và cách làm thận trọng, thiết thực; coi trọng công tác tư tưởng đối với cán bộ được luân chuyển, với nơi có cán bộ đi và nơi có cán bộ được luân chuyển đến; giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng với ổn định, phát triển đội ngũ cán bộ tại chỗ và cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ. Vì vậy, công tác luân chuyển cán bộ đã từng bước đi vào nền nếp, tạo ra động lực mới trong công tác cán bộ, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình. Đến nay, cả nước đã có trên 42.000 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được luân chuyển, trong đó cấp Trung ương luân chuyển hơn 100 đồng chí về làm bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố; cấp tỉnh có gần 4.000 lượt cán bộ được luân chuyển; cấp huyện có trên 15.000 lượt và các ban, bộ, ngành Trung ương có trên 19.000 lượt cán bộ luân chuyển. Trong ngành quân đội đã luân chuyển 23% số cán bộ nguồn quy hoạch cấp sư đoàn và tương đương; 13% số cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược. Ngành công an đã luân chuyển 14,8% số cán bộ nguồn quy hoạch từ cấp phường, đội trở lên...

- Luân chuyển cán bộ đã góp phần tích cực vào việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ trong thực tiễn, tạo điều kiện để cán bộ trẻ trưởng thành và phát triển nhanh, toàn diện hơn. Sau khi có Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX, công tác luân chuyển cán bộ đã có nhiều tiến bộ, nhất là những cán bộ trẻ, có triển vọng và trong diện quy hoạch. Hầu hết các tỉnh ủy, thành ủy đã căn cứ vào quy hoạch, đưa các đồng chí là phó ban đảng, giám đốc sở, ngành luân chuyển làm bí thư, chủ tịch ủy ban nhân dân quận, huyện; luân chuyển phó giám đốc sở, ngành làm phó bí thư, phó chủ tịch ủy ban nhân dân quận, huyện; luân chuyển cán bộ, công chức ở huyện, quận về công tác ở xã, phường, thị trấn. Qua thực hiện, hầu hết số cán bộ luân chuyển đã hoàn thành nhiệm vụ và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện hơn; nhiều đồng chí có những đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, được cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương tín nhiệm; nhiều đồng chí đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa X, khóa XI; được bầu cử, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương và các ban, bộ, ngành Trung ương. Sau luân chuyển, có 59,81% số cán bộ đã được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn, 22,47% số cán bộ giữ chức vụ tương đương; trong đó, cấp tỉnh có 52,8% số cán bộ được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn, 36,8% số cán bộ giữ chức vụ tương đương và chỉ có 0,15% số cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ; ở cấp huyện có 54,95% số cán bộ được bố trí chức vụ cao hơn, 8,06% số cán bộ giữ chức vụ tương đương và chỉ có gần 0,1% số cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.

- Luân chuyển cán bộ đã góp phần khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín, trì trệ, bảo thủ trong công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ. Cùng với luân chuyển cán bộ trẻ để đào tạo, rèn luyện trong thực tiễn, Bộ Chính trị khóa IX đã chỉ đạo thực hiện thí điểm chủ trương bố trí 6 chức danh cán bộ của tỉnh Hà Tây (cũ) gồm: bí thư tỉnh ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, giám đốc sở công an, kế hoạch đầu tư, tài chính và viện trưởng viện kiểm sát nhân dân không phải là người địa phương. Từ kết quả thực hiện chủ trương này, nhiều tỉnh, thành phố đã và đang thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt ở cấp tỉnh và cấp huyện không phải là người địa phương, nhằm từng bước khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ. Nhiều nơi đã quy định các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua chức danh lãnh đạo chủ chốt ở cấp dưới. Quân ủy Trung ương quy định các chức danh lãnh đạo cấp tổng cục và tương đương trở lên phải kinh qua chỉ huy, lãnh đạo quân khu, quân chủng, quân đoàn và đã bố trí 36% số chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố không phải người địa phương; Đảng ủy Công an Trung ương đã bố trí 20/63 giám đốc công an tỉnh, thành phố và trên 67% số trưởng công an quận, huyện không phải người địa phương; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã luân chuyển hàng chục cán bộ làm viện trưởng, phó viện trưởng ở cấp tỉnh...

- Việc luân chuyển cán bộ kết hợp với tăng thêm chức danh lãnh đạo cấp ủy và chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện đã mang lại hiệu quả thiết thực. Xuất phát từ tình hình thực tế ở các địa phương, Bộ Chính trị đã có chủ trương đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ kết hợp với việc tăng thêm chức danh phó bí thư phụ trách công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nhất là ở những nơi khó khăn về cán bộ, đã góp phần củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Đến nay, đã có hơn 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hơn 200 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được tăng thêm chức danh phó bí thư phụ trách xây dựng tổ chức cơ sở đảng, hoặc phó chủ tịch ủy ban nhân dân và đem lại một số kết quả tốt.

Tuy nhiên, mặt hạn chế của công tác luân chuyển cán bộ là một số nơi thực hiện luân chuyển, đào tạo cán bộ chưa dựa trên cơ sở đánh giá và quy hoạch. Việc luân chuyển cán bộ trong một ngành, giữa các ngành với nhau, giữa cán bộ làm công tác đảng, mặt trận, đoàn thể với quản lý nhà nước nhìn chung còn ít, khép kín, chưa phát huy được sức mạnh của cả đội ngũ, còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ. Chủ trương luân chuyển, bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo không là người địa phương nhằm khắc phục tình trạng cục bộ, trì trệ, khép kín ít được thực hiện do chưa có quy định cụ thể. Việc lựa chọn địa bàn, chức danh luân chuyển trong một số trường hợp còn bất hợp lý, thậm chí còn trái ngành, trái nghề, vừa không đáp ứng được yêu cầu đào tạo, vừa hạn chế sự đóng góp của cán bộ luân chuyển. Sự quản lý, giám sát, quan tâm, tạo điều kiện đối với cán bộ luân chuyển từ phía các cơ quan, nhất là từ nơi đi, nơi đến chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ sau luân chuyển có trường hợp còn bất cập, thiếu chính xác. Về phía cán bộ luân chuyển, một số ít còn chậm tiếp cận với công việc, đóng góp đối với địa phương còn hạn chế, cá biệt còn có biểu hiện chọn địa bàn, vị trí sau luân chuyển...

Phương hướng, giải pháp trong thời gian tới

Để đẩy mạnh và làm tốt công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ trong những năm tới, các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ đồng thời với việc đổi mới đồng bộ các khâu khác trong công tác cán bộ, trước hết là đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Tiến hành xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh, theo hiệu quả công việc và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Công khai lĩnh vực công tác, chỉ tiêu nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ để đảng viên và nhân dân theo dõi, giám sát, góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm và thông qua đó để xem xét, đánh giá cán bộ. Đánh giá, lựa chọn cán bộ thông qua cơ chế thi tuyển, sát hạch hằng năm đối với cán bộ từ cấp cục, vụ và tương đương trở xuống theo phương châm “làm cái gì thi cái đó”; xây dựng phương thức đánh giá cán bộ trong mối quan hệ biện chứng giữa kết quả thi, sát hạch và năng lực, thành tích công tác, uy tín, sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Gắn đánh giá cán bộ theo định kỳ với kiểm điểm tự phê bình và phê bình hằng năm theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Hai là, đổi mới công tác tạo nguồn cán bộ theo hướng lựa chọn sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường đại học có chất lượng cử về cơ sở (những nơi khó khăn, có nhu cầu) để đào tạo trong phong trào lao động, sản xuất, từ đó chọn lọc nguồn quy hoạch cán bộ lâu dài. Xây dựng, thực hiện cơ chế tiến cử cán bộ; cơ chế người đứng đầu đề xuất, chuẩn bị người quy hoạch thay thế mình, người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; thí điểm giao quyền cho bí thư cấp ủy giới thiệu ủy viên ban thường vụ cấp ủy.

Ba là, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch theo chức danh cán bộ, gắn lý thuyết với thực hành, kỹ năng xử lý các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn đối với từng chức danh, ở từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực công tác; tăng lượng kiến thức về tư duy và tầm nhìn chiến lược, nhận thức và giải pháp ứng xử, đề phòng, giải quyết các vấn đề nảy sinh của quốc gia và quốc tế cho các đối tượng cán bộ dự nguồn cấp Trung ương. Xây dựng và thực hiện chế độ tập sự lãnh đạo, quản lý; cán bộ chủ chốt ở cấp trên nói chung phải kinh qua vị trí chủ chốt ở cấp dưới để đào tạo, thử thách cán bộ. Đẩy mạnh việc cập nhật kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả đối với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cải tiến phương pháp, quy trình kiểm tra, thi cử, khắc phục tình trạng chạy theo bằng cấp, tuyệt đối hóa bằng cấp của cả cơ quan làm công tác cán bộ và cơ quan sử dụng cán bộ.

Bốn là, thực hiện nghiêm cơ cấu 3 độ tuổi trong quy hoạch cấp ủy và ban lãnh đạo, quản lý các cấp. Cấp có thẩm quyền chỉ phê duyệt, xác nhận quy hoạch hoặc thông qua phương án nhân sự cấp ủy khi quy hoạch hoặc phương án nhân sự đáp ứng được yêu cầu này. Việc bổ sung ban chấp hành, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trong nhiệm kỳ chủ yếu bổ sung cán bộ trẻ, cán bộ nữ, đủ tuổi tham gia từ 2 nhiệm kỳ trở lên nhằm đào tạo, chuẩn bị nhân sự cho các khóa tiếp theo. Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cần bảo đảm 3 độ tuổi trong lãnh đạo ở từng cấp; đối với cấp huyện và tương đương trở lên nhất thiết phải có cán bộ nữ trong cơ cấu lãnh đạo. Đối với việc bổ nhiệm chức danh thứ trưởng và tương đương trở lên cần phải được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý về chủ trương trước khi thực hiện quy trình nhân sự. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển đối với cán bộ trong quy hoạch; cấp có thẩm quyền khi phê duyệt hoặc xác nhận quy hoạch phải đồng thời phê duyệt, xác nhận kế hoạch luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch của cấp dưới.

Năm là, đẩy mạnh công tác luân chuyển để đào tạo cán bộ và thực hiện bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý không là người địa phương ở cấp tỉnh, cấp huyện và từng bước nghiên cứu thực hiện ở cấp xã, phường, thị trấn. Xây dựng và thực hiện quy định về luân chuyển cán bộ, trong đó xác định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng luân chuyển đào tạo theo quy hoạch và quy trình luân chuyển, bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý ở cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Thực hiện việc phân công cán bộ trong quy hoạch các chức danh cấp chiến lược đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở các địa bàn, lĩnh vực quan trọng, vùng có nhiều khó khăn để đào tạo, thử thách, tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý. Lựa chọn cán bộ trong quy hoạch cán bộ chủ chốt các bộ, ngành Trung ương, có phẩm chất, năng lực luân chuyển để giữ chức vụ bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; cán bộ cấp cục, vụ và tương đương luân chuyển để giữ chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân quận, huyện, trưởng ban, phó ban, giám đốc, phó giám đốc sở, ngành tỉnh, thành phố. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương luân chuyển, bố trí một số chức danh cán bộ không là người địa phương ở cấp tỉnh, cấp huyện. Tiếp tục thực hiện chủ trương tăng thêm một số chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền ở những địa phương có nhiều khó khăn, hoặc ở những nơi thiếu cán bộ để vừa kết hợp luân chuyển, đào tạo, vừa tăng cường cán bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị...

Nguồn Tạp chí Cộng sản

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 5, tr. 269, 273