Nói đến dân chủ là nói đến quyền làm chủ xã hội thuộc về ai. Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ”(1); “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn, cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ của dân”(2). Như vậy, theo Hồ Chí Minh, chế độ dân chủ thực chất là chế độ ủy quyền của nhân dân vào Nhà nước và Nhà nước là cơ quan quyền lực của dân, thực thi sự ủy quyền của dân.
Nền dân chủ vô sản gắn chặt với cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội, cho nên, nó chỉ có thể được thực hiện bằng con đường thiết lập quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản đối với toàn bộ xã hội thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản. Chỉ có giai cấp vô sản và Đảng tiên phong của mình, với cơ sở xã hội rộng lớn là quảng đại quần chúng nhân dân lao động mới có khả năng thiết lập được nền chuyên chính vô sản, vừa bảo đảm dân chủ và lợi ích căn bản của đông đảo quần chúng lao động, vừa triệt tiêu mọi khả năng phục hồi chế độ bóc lột và nô dịch. Việc Đảng Cộng sản ở các nước vươn lên khẳng định vị trí đảng cầm quyền duy nhất sau khi đã giành được chính quyền là một quy luật gắn với tiến trình đấu tranh vì nền dân chủ. Một Đảng cầm quyền như vậy sẽ luôn luôn thống nhất từ trong bản chất, mục tiêu, phương thức của một nền dân chủ vì quyền lực và lợi ích của đa số người lao động. Sự cầm quyền (tức vai trò lãnh đạo của Đảng) và quyền lực của đông đảo nhân dân gắn bó hữu cơ, khăng khít với nhau.
Ảnh: tuyengiao.vn.
Chế độ đa đảng không phải là dấu hiệu của dân chủ. Cái gốc để bảo đảm dân chủ hay không dân chủ là tư liệu sản xuất nằm trong tay ai. Dưới chủ nghĩa xã hội, tư liệu sản xuất nằm trong tay nhân dân lao động và họ là người làm chủ xã hội. Dưới chủ nghĩa tư bản, tư liệu sản xuất nằm trong tay một thiểu số nhà tư bản, nền dân chủ đó là quyền làm chủ của một nhóm tư bản độc quyền.
Xã hội dân chủ hay không dân chủ, không phụ thuộc vào số lượng các đảng chính trị, vào việc áp dụng hay không áp dụng chế độ “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Chế độ một đảng hay nhiều đảng, không phải là dấu hiệu, càng không phải là bản chất của dân chủ hay không dân chủ. Không phải cứ đa đảng là dân chủ, còn một đảng thì không dân chủ. Điều cốt yếu là ở chỗ, đảng cầm quyền đó có thực sự cách mạng, có thực sự vì lợi ích của nhân dân hay không. Dân chủ phụ thuộc một cách quyết định vào lý tưởng và bản chất chính trị của đảng cầm quyền. Nếu một đảng cầm quyền, dù “mang danh cộng sản”, nhưng thoái hóa biến chất, xa rời quần chúng, xa rời nhân dân, không có bộ máy và phương thức hoạt động bảo đảm được dân chủ; không có cơ chế kiểm soát, giám sát quyền lực; nếu đảng đó không có khả năng xây dựng được một nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân… thì chắc chắn không thể bảo đảm được dân chủ.
Cả lý luận và thực tiễn đã khẳng định: Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể được xây dựng với thể chế chính trị nhất nguyên chính trị, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Giai cấp công nhân chỉ có thể đóng vai trò chủ thể lịch sử của mình khi được Đảng Cộng sản lãnh đạo và trong hệ thống chính trị không có các loại đảng phái đối lập, đại diện cho những lợi ích khác nhau. Điều này là dễ hiểu, bởi ngoài Đảng Cộng sản, thì không có một đảng phái chính trị nào khác có thể lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội-một chế độ xã hội mà mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ tư hữu và bóc lột. Chỉ có sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản dựa trên nền tảng học thuyết Mác - Lê-nin là bảo đảm không gì thay thế được cho thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa xã hội. Mọi sự tìm kiếm nào khác, thực hiện “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” hay hướng vào con đường xã hội-dân chủ chỉ là mất phương hướng chính trị-giai cấp, mơ hồ bản chất giai cấp của chế độ xã hội chủ nghĩa và tự mình từ bỏ chủ nghĩa xã hội.
Mặt khác, cần thấy rằng, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động là bản chất, quy luật hình thành, phát triển và tự hoàn thiện của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo-một “Đảng cách mạng; ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”(3). Đảng Cộng sản Việt Nam không hề áp đặt vai trò độc quyền lãnh đạo của mình. Để được nhân dân thừa nhận là người lãnh đạo, Đảng đã phải trải qua một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, đầy thử thách, hy sinh với biết bao người con ưu tú của Đảng và dân tộc đã ngã xuống. Thực tế đến nay, chưa có lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ khả năng và điều kiện lãnh đạo cách mạng Việt Nam thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó không phải là ý chí chủ quan về chính trị, mà là một tất yếu khách quan của lịch sử. Mọi mưu toan hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là trái với yêu cầu khách quan của quá trình phát triển đất nước và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Rõ ràng, dân chủ phụ thuộc một cách quyết định vào lý tưởng và bản chất chính trị của đảng cầm quyền. Lý tưởng và bản chất ấy được đánh giá là tiến bộ, tiên tiến khi cùng với việc quan tâm tới lợi ích của giai cấp sinh ra mình, đảng cầm quyền còn quan tâm tới lợi ích của mọi giai cấp, tầng lớp khác.
Như vậy, có hay không có dân chủ; dân chủ được thực hiện ở trình độ cao hay thấp… đều phụ thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền, chứ không phụ thuộc vào số lượng nhiều hay ít các đảng phái chính trị. Tính chất và trình độ dân chủ của một nước, một xã hội được quyết định chủ yếu bởi tính chất của nền dân chủ, bản chất của đảng cầm quyền và ở việc phát huy quyền làm chủ của đại đa số nhân dân, thực hiện lợi ích và ý chí của đại đa số nhân dân.
Khi một đảng trở thành đảng duy nhất cầm quyền, rất thuận lợi cho quá trình dân chủ hóa trong xã hội, tạo được sự ổn định chính trị, thống nhất quyền lực. Đảng Cộng sản là tổ chức duy nhất đứng ra tập hợp ý kiến của toàn Đảng, toàn dân để quyết định mục tiêu, phương hướng xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Đây là điều hết sức quý báu tạo ra những tác động thuận lợi, bảo đảm cho quá trình dân chủ hóa xã hội. Tuy nhiên, chế độ một đảng duy nhất cầm quyền cũng tiềm ẩn nguy cơ làm xơ cứng và mất dân chủ trong xã hội; dễ dẫn đến chủ quan, tự mãn, duy ý chí, quan liêu trong hoạch định chủ trương, đường lối; một bộ phận cán bộ, đảng viên sa vào tiêu cực, đặc quyền đặc lợi, tham nhũng, cửa quyền… Tất cả các nguy cơ đó đều tác động cản trở, kìm hãm quá trình dân chủ hóa xã hội.
Vậy làm thế nào để một Đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền mà không dẫn đến chuyên quyền, “đảng trị”; nhân dân luôn làm chủ, còn Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân? Làm thế nào để một Đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền mà không sa vào tình trạng quan liêu, xa rời quần chúng, có hại cho dân chủ? Đó là những vấn đề, cũng là những khó khăn lớn đặt ra đối với vai trò lãnh đạo của các Đảng Cộng sản cầm quyền nói chung, Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng.
Để giải quyết những vấn đề trên, nhằm phát huy và thực hành dân chủ, phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng thì Đảng phải thật sự trở thành tấm gương về dân chủ trong xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng là để bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân. Mức độ thực hiện quyền dân chủ của nhân dân được xem là thước đo đánh giá tính đúng đắn trong sự lãnh đạo của Đảng. Đảng phải lãnh đạo thế nào để nhân dân làm chủ ngày càng tốt hơn, dân chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng và sâu sắc hơn-đó là sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản cầm quyền.
Muốn thực hiện được điều đó, một mặt, Đảng phải xác định đúng đắn phương hướng, mục tiêu, con đường đi lên của đất nước, sự hưng thịnh của dân tộc. Theo đó, Đảng lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị, trước hết là Nhà nước; tổ chức thực hiện bằng được các mục tiêu, nhiệm vụ đã vạch ra; lãnh đạo việc thể chế hóa, pháp luật hóa các nghị quyết của Đảng; thiết kế bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, quản lý và rèn luyện cán bộ phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; tổng kết thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách.
Mặt khác, để có đủ khả năng, điều kiện lãnh đạo đúng đắn và có hiệu quả, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng về mọi mặt, làm cho Đảng tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống cách mạng tốt đẹp, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiền phong gương mẫu của Đảng; xây dựng Đảng thực sự trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có đạo đức cách mạng trong sáng, có tầm cao trí tuệ, có phương pháp lãnh đạo khoa học, gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức đoàn kết lãnh đạo toàn dân, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng. Làm được như vậy, Đảng sẽ tiếp tục và ngày càng trở thành biểu tượng về dân chủ-nhân tố có ý nghĩa quyết định đến dân chủ hóa hệ thống chính trị và dân chủ hóa xã hội.
Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 8, tr. 375.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 6, tr. 515.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 10, tr. 599.