Thành phố lên đèn, những hàng, quán đầy ấp tiếng cười, tiếng cụng ly của những thực khách sau một ngày làm việc. Đâu đó, những con người vẫn đang tiếp tục cuộc mưu sinh. Đó là dáng mẹ với rổ đậu rao bán trên hè phố, đó là dáng chị đang len lỏi đến từng bàn thực khách những mong bán được vài lon đậu... Họ đang chăm chỉ lao động, kiếm sống bằng cái nghề lương thiện. Vừa đặt rổ đậu xuống vỉa hè, Bà Mười ở phường Đạo Long (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) với 30 năm trong nghề cho biết: “Nghề này không cần vốn nhiều, chỉ cần một cái thúng, mớ túi ni lông, một cái lon “đặc biệt” và quan trọng là phải chịu khó. Buổi sáng mình len lỏi qua các con hẻm, trời tối thì mình bán ở các quán vỉa hè. Nghề này nó cực vậy đó nhưng sống được”.
Phan Rang vào mùa gió, những cơn gió khiến người ta ngại bước chân ra đường nhưng không ngăn nổi bước chân của những người đang dựa vào hè phố để mưu sinh. Trời nhá nhem tối, với rổ đậu còn được hơn nửa, chị Linh ở Phường Mỹ Hương (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) rong ruổi các quán vỉa hè với hy vọng bán hết số đậu còn lại. Chị tâm sự: “Thời của mình khổ quá, lo làm để có cái ăn nên không được học nhiều. Thời bây giờ mình ráng làm để nuôi con ăn học thì may ra tụi nó mới hết khổ”. Trung bình một ngày chị bán hơn 10kg đậu. Bán đậu đem lại cuộc sống ổn định cho gia đình chị. Chúng tôi tìm về xóm Dừa (khu phố 1, phường Đạo Long, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm). Cả xóm có tới hơn 10 gia đình làm nghề bán đậu, thậm chí có một số gia đình cả 3 thế hệ đều theo nghề. Trong căn nhà nhỏ, bà Bế đang sửa soạn rổ đậu mang đi bán. Ở cái tuổi 78 nhưng hơn nửa cuộc đời bà gắn bó với rổ đậu phộng. Bà bộc bạch: "Rong ruổi ở ngoài đường mấy chục năm quen rồi, ở nhà buồn lắm! Hôm nào thấy mình không đi bán, khách quen cứ tưởng mình bỏ nghề. Có người ăn thì mình vẫn bán, đau bệnh thì uống thuốc, chừng nào mình đi không nổi nữa mới nghỉ”. Bà khoe với tôi đôi mắt sáng vừa được mổ cườm trong đợt mổ từ thiện. Chia tay bà, chúng tôi nhớ mãi nụ cười đầy lạc quan trên khuôn mặt in hằn theo năm tháng với điều ước bình dị “Cầu mong "Trời" thương, cho mình không đau bệnh để đi bán là mừng rồi”.
Hồng Chỉ