Vấn đề hôm nay:

Thi đua phải thực chất!

(NTO) Có thể nói, những năm qua phong trào thi đua được phát động ngày càng rộng khắp trên địa bàn tỉnh và thật sự đã trở thành “chất men” tạo hiệu ứng tích cực trong các mặt của đời sống xã hội; không chỉ trong các cơ quan, đơn vị mà cả trong cộng đồng dân cư; không chỉ trong sản xuất, kinh doanh mà cả trong các hoạt động an sinh xã hội.

Qua phát động các phong trào thi đua theo mục đích, yêu cầu nhiệm vụ hàng năm đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Nếu như ở các cơ quan, đơn vị, địa phương… trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao đã cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch công tác, phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, động viên, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, thực hiện đạt chất lượng, hiệu quả… thì tại nhiều địa phương, nhất là địa bàn nông thôn phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đời sống văn hóa… đã có sức lan tỏa sâu rộng và mang lại nhiều kết quả khả quan. Đáng nói là ý thức cộng đồng, vì lợi ích chung được đề cao trong nhân dân với biểu hiện cụ thể là một số hộ dân đã tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi như đường giao thông, thủy lợi, kè sông…

Nông dân thông Ba Tháp ( Bắc Phong, Thuận Bắc) tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Không những vậy các nông hộ trong tỉnh còn đóng góp hàng ngàn ngày công lao động, nhiều tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới bằng các công việc cụ thể như làm đường giao thông nội thôn, nội đồng, liên xã… do địa phương phát động, vận động. Ngay cả trong sản xuất, nhiều nông hộ đã nỗ lực trong đầu tư, sáng tạo trong cách làm và mạnh dạng ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhờ đó đã vươn lên làm giàu cho gia đình, đóng góp xây dựng xã hội...

Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều những thành quả trong các phong trào thi đua, vẫn còn nổi lên một số mặt hạn chế như phong trào phát triển chưa đều, liên tục, nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức, “phát” nhưng thiếu “động”. Công tác khen thưởng chưa kịp thời, chưa thật sự hướng đến người trực tiếp sản xuất, trực tiếp lao động… nên đã làm hạn chế phong trào thi đua, động lực thi đua.

Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực nhất"… Đặc biệt trong công cuộc đổi mới đất nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng, yêu cầu đặt ra đối với công tác thi đua là rất cần xác định tính thiết thực, hiệu quả bởi đây là một trong những nhân tố quyết định chất lượng các phong trào thi đua yêu nước. Tính thiết thực, hiệu quả còn thể hiện ở chỗ phải xác định cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu, biện pháp thi đua thể hiện sự sinh động, hài hòa các lợi ích, đó là lợi ích của người lao động, lợi ích của tập thể, địa phương, đơn vị và lợi ích của xã hội, trong đó cần chú trọng đến lợi ích trực tiếp của người lao động. Vì lợi ích là động lực rất quan trọng và cũng thể hiện tính thiết thực, hiệu quả nhất của phong trào thi đua.

Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và của tỉnh. Do vậy bên cạnh phát huy những mặt tích cực cũng cần nhận rõ những hạn chế để khắc phục, đưa công tác thi đua ngày càng đi vào thực chất, có sức lan tỏa cao trên địa bàn tỉnh.