Di chúc của Người đề cập đến nhiều phương diện, chứa đựng những giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, trong đó những lời di huấn về Đảng, mà trọng tâm là nhiệm vụ xây dựng, củng cố, tăng cường vai trò cầm quyền của Đảng là nội dung quý giá, mãi soi sáng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.
1- Từ việc hiểu biết sâu sắc về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, với thực tiễn và kinh nghiệm phong phú lãnh đạo cách mạng Việt Nam cùng những đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng thế giới thế kỷ XX của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên những vấn đề cốt yếu để củng cố và tăng cường vai trò của Đảng cầm quyền.
Thứ nhất, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Người khẳng định: đoàn kết đem lại sức mạnh to lớn cho Đảng, “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”
Tính nhất quán ấy của tư duy Hồ Chí Minh được nhấn mạnh trong bản Di chúc viết năm 1968 “... Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi... để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Chính trong điều kiện mới, khi đất nước bước vào thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chế độ mới, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng phải mạnh hơn bao giờ hết’’. Đảng phải mạnh để lãnh đạo cách mạng thành công. Và, Đảng chỉ mạnh hơn khi sự đoàn kết thống nhất trong Đảng được tăng cường.
Có xuất phát từ tính biện chứng của tư duy, từ bước phát triển mới của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, chúng ta mới thấm thía đòi hỏi nghiêm ngặt về đoàn kết trong Đảng mà Hồ Chí Minh đã viết trong Di chúc: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình’’(3). Trong các tác phẩm, bài nói, bài viết của mình, cụm từ “đoàn kết’’ được Hồ Chí Minh sử dụng khoảng 2.000 lần. Cũng rất nhiều lần, Hồ Chí Minh nêu lên sự cần thiết phải giữ gìn khối đoàn kết trong Đảng như giữ gìn “con ngươi của mắt mình”. Sự nhấn mạnh lần cuối cùng, ở mức khái quát nhất, mạnh mẽ nhất cho thấy, Hồ Chí Minh ý thức sâu sắc hơn ai hết tầm quan trọng đặc biệt của việc xây dựng khối đoàn kết trong Đảng.
Thứ hai, thực hành dân chủ rộng rãi. Không chỉ trong Di chúc mà trong nhiều bài nói, bài viết khác của mình, Người đều nói đến việc bảo đảm một nền dân chủ rộng rãi cho nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định, nhờ dân chủ mà Đảng ta đã khơi dậy, phát huy cao nhất trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình. Nhờ dân chủ mà trong Đảng đã khắc phục được tình trạng bè cánh, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, xa rời quần chúng. Theo Người, thực hành dân chủ rộng rãi nghĩa là phải dân chủ thực sự, dân chủ thường xuyên, dân chủ từ Trung ương đến cơ sở. Nhưng, dân chủ phải gắn với tập trung. Tập trung dân chủ là nguyên tắc sống còn và cũng là biện pháp tốt nhất để xây dựng Đảng ta.
Thứ ba, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, là quy luật phát triển của đảng cộng sản. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh coi đây là biện pháp tốt nhất để củng cố, phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng. Người yêu cầu, tự phê bình và phê bình phải tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, không nể nang, không qua loa đại khái, không hình thức. Người hiểu rõ, đã là con người thì ít, nhiều đều có khuyết điểm, nhưng quan trọng là phải nhận rõ khuyết điểm, không được che giấu khuyết điểm; tự phê bình để sửa chữa, khắc phục, vươn lên tự chiến thắng thói hư tật xấu của mình. Đối với đồng chí, đồng đội, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải phê bình một cách thẳng thắn, chân thành nhằm giúp đồng chí nhận rõ sai lầm, sửa chữa để không ngừng tiến bộ. Như vậy, mục đích của tự phê bình và phê bình là giúp cho bản thân và đồng chí ngày càng tiến bộ hơn; tuyệt đối không vì mâu thuẫn cá nhân, động cơ vụ lợi cá nhân mà phê bình theo kiểu “vạch lá tìm sâu”, “bới lông tìm vết” nhằm trù dập, đấu đá, hạ bệ lẫn nhau. Theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là công việc thường xuyên; ngừng tự phê bình và phê bình tức là ngừng tiến bộ, là thoái bộ.
Thứ tư, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Cần phải xây dựng được tình thương chân chính giữa những con người cùng là đồng chí, cùng phấn đấu, hy sinh cho một lý tưởng, sự nghiệp cao cả, những con người bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Trên cơ sở tình đồng chí thương yêu lẫn nhau thì mới thực hành được “dân chủ rộng rãi”, mới “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Không có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau sẽ dẫn đến dân chủ hình thức, tự phê bình và phê bình không nghiêm túc hoặc lợi dụng dân chủ, lợi dụng phê bình để trả thù cá nhân.
Thứ năm, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
Không phải ngẫu nhiên, trước hết khi nói về Đảng trong Di chúc, Hồ Chí Minh khẳng định Đảng ta là đảng cầm quyền. Điều đó không chỉ khẳng định vị trí, vai trò to lớn của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội Việt Nam, nhiệm vụ của Đảng rất vẻ vang nhưng rất nặng nề, mà Người còn muốn chúng ta thấu rõ, trong điều kiện Đảng cầm quyền, sự lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng sẽ có những thuận lợi và thách thức mới, nhất là các căn bệnh về quan liêu, tự mãn, chủ quan, duy ý chí, độc đoán chuyên quyền... có điều kiện phát triển trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và ngay cả các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Nếu không tích cực, chủ động khắc phục những căn bệnh đó, có thể dẫn đến nguy cơ làm cho Đảng sai lầm về đường lối, bao biện làm thay Nhà nước, “Đảng trị” hoặc buông lỏng sự lãnh đạo. Những vấn đề đó không chỉ làm suy yếu Đảng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò, chức năng, sức mạnh của Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành bại của cách mạng.
Từ đó, Người nhấn mạnh, để xây dựng Đảng trong điều kiện cầm quyền, vấn đề tiên quyết là phải chăm lo giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng. Người đã từng khẳng định, gốc của cách mạng là dân, gốc của công việc là cán bộ, gốc của cán bộ là đạo đức. Điều đó như một lẽ tự nhiên - một quy luật, do vậy, Người coi đó là vấn đề sống còn của cách mạng. Người dạy: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(5).
Đạo đức của người cách mạng được hợp thành bởi nhiều thành tố, theo Người, trong điều kiện Đảng cầm quyền, phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là những thành tố cơ bản nhất, quyết định nhất. Đó cũng chính là vấn đề then chốt nhất bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, làm cho Đảng thực sự là người lãnh đạo, là đày tớ trung thành của nhân dân.
2- Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI của Đảng (tháng 1-2012) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã thẳng thắn chỉ rõ: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là “Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ”.
Công cuộc xây dựng đất nước, kiến tạo chủ nghĩa xã hội đang đòi hỏi phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, ngang tầm với với vị thếcầm quyền và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Quán triệt và thực hiện di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp về xây dựng Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, trọng tâm cần thực hiện những vấn đề cốt yếu có mối quan hệ chặt chẽ trong một chỉnh thế thống nhất về xây dựng Đảng cầm quyền sau:
Một là, đổi mới công tác cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Xây dựng Đảng thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, giữ vững vai trò cầm quyền là yêu cầu khách quan của công cuộc đổi mới hiện nay, muốn vậy phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược đồng bộ, có chất lượng, bảo đảm tính kế thừa và phát triển, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, có phẩm chất, năng lực, nhạy cảm với cái mới và có tư tưởng đổi mới, đủ sức đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Vai trò của nguồn lực cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế tri thức hiện nay được coi là nhân tố quan trọng hàng đầu. Do vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phải được coi là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Hai là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ và năng lực lãnh đạo của Đảng; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp phù hợp yêu cầu của tình hình mới; xây dựng đội ngũ cán bộ các ngành, các cấp có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực và phong cách làm việc dân chủ, khoa học; tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước, lãnh đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân xác định đúng mục tiêu, phương hướng hoạt động; phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo trong xây dựng, đổi mới tổ chức và hoạt động, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia tích cực vào việc thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; nêu cao sự gương mẫu của tổ chức đảng và của mỗi đảng viên.
Ba là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản ngày càng vững mạnh.
Để bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, trong đó Nhà nước là của nhân dân chứ không phải nhân dân là của Nhà nước, Đảng cần tập trung lãnh đạo đề cao tính hợp hiến, hợp pháp trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, bảo đảm cho sự phát triển tự do tối đa của nhân dân, làm cho cả hai mặt dân chủ và pháp luật trong Nhà nước pháp quyền phải được gắn bó hữu cơ, làm tiền đề tồn tại cho nhau và tạo nên bản chất của Nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là cách thức cơ bản để phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân. Lãnh đạo giải quyết tốt mối quan hệ Nhà nước pháp quyền, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát huy dân chủ là bộ ba hợp thành không thể tách rời, là điều kiện và tiền đề cho nhau, bảo đảm cho kết quả của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước không phải chỉ dựa vào quyền uy, mệnh lệnh, mà là bằng trí tuệ, năng lực lãnh đạo của Đảng, ở khả năng vạch ra đường lối chính trị đúng đắn, ở sự gắn bó với nhân dân và khả năng giáo dục, thuyết phục toàn xã hội chấp thuận, ở vai trò tiên phong của đảng viên và tổ chức đảng trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp...
Di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong Di chúc là những lời dặn dò tâm huyết, những bài học được đúc kết từ thực tế cuộc đời hoạt động cách mạng của Người và từ kết quả của tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, Di chúc của Người không những có ý nghĩa thiêng liêng với hiện tại mà còn nguyên giá trị to lớn đối với tương lai. Ánh sáng của các tư tưởng về Đảng và xây dựng Đảng trong Di chúc sẽ mãi mãi soi rọi, dẫn đường, chỉ lối cho việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự chân chính, cách mạng, xứng đáng với vai trò cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo Tạp chí Cộng sản