Theo anh Võ Thái Tuấn, Phó Giám đốc PCU, nhìn lại năm qua, với chiến lược trọng tâm đề ra là đẩy nhanh tiến độ, tăng cường tính hiệu lực hiệu quả của Dự án; có thể thấy, các hợp phần và tiểu hợp phần triển khai thực hiện đã đem lại tác động nhất định. Nhờ sự chủ động thúc đẩy của PCU và nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ tham gia vào thị trường lao động, thị trường hàng hoá để tạo thu nhập và tăng thêm nhận thức về cơ hội thị trường. Cụ thể ở Tiểu hợp phần “Phát triển và hợp tác với khu vực tư trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn” thuộc Hợp phần 1 (Tăng cường năng lực thể chế để thực hiện tam nông), các đơn vị thực thi thuộc hợp phần đã kết nối và xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong và ngoài tỉnh cho các doanh nghiệp (DN), cơ sở, thương lái, chủ vựa, lò mổ, nhóm cùng sở thích (CIG)... để tiêu thụ sản phẩm 8 chuỗi giá trị (dê, bò, cừu, heo đen, táo, nho, tỏi, chuối). Đặc biệt qua tổ chức các hội thảo về hàng hóa chuỗi giá trị bò, đã xây dựng liên kết thị trường giữa 54 CIG chăn nuôi bò với DN chế biến.
Các cán bộ PCU và các đại diện tư vấn PROCASUR tham quan mô hình tưới tiết kiệm nước tại Nhơn Hải (Ninh Hải).
Cùng với hoạt động nghiên cứu thị trường tại 7 tỉnh, hỗ trợ 8 DN tham gia hội chợ thương mại, dự án đã hỗ trợ các DN vừa và nhỏ ký kết 12 biên bản ghi nhớ và 10 hợp đồng “đầu ra” sản phẩm. Tại 6 huyện dự án, PCU và các đơn vị thực thi đã tiến hành củng cố thành lập 6 hợp tác xã (HTX) dịch vụ sản xuất tổng hợp nông nghiệp, kết nạp 6 CIG táo, lúa, bò với 102 thành viên vào HTX và tập huấn cho 80 thành viên. Dưới tác động của dự án, các DN trong tỉnh đã ký kết 6 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của tỉnh với các DN ngoài tỉnh, tập trung vào các cây, con chủ lực như nho, táo, tỏi, dê, cừu. Ngoài ra, còn có một DN tỉnh Bình Thuận đang xúc tiến với các DN tỉnh ta xuất khẩu thử nghiệm táo sang thị trường Qatar.
Đối với Hợp phần 2 (Phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo), các đơn vị thực thi đã triển khai nhiều hoạt động theo kế hoạch. Trên cơ sở xác định và thực hiện xếp thứ tự ưu tiên chuỗi giá trị, từ nguồn lực dự án, đã hỗ trợ hàng trăm con giống, hàng chục thiết bị vật tư nông nghiệp cho các CIG để phát triển các chuỗi bò, táo, tỏi, heo đen, dê, cừu... Đáng chú ý là Tiểu hợp phần “Quỹ phát triển cộng đồng” (CDF) thuộc Hợp phần 3 (Xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cấp xã theo định hướng thị trường). Năm 2014, từ nguồn vốn CDF, dự án tiến hành thực hiện 74 công trình, trong đó 1 công trình điện, 2 công trình cầu, 25 công trình giao thông nông thôn, 11 công trình thủy lợi, 4 chợ và điểm thu mua nông sản, 31 sân phơi.
Về đào tạo nâng cao năng lực người dân trong sản xuất, kinh doanh, dự kiến trong năm tổ chức 359 lớp tập huấn, đến nay các Ban phát triển xã đã triển khai thực hiện trên 80% hoạt động, với hơn 9.558 lượt người tham dự, trong đó có 3.476 phụ nữ, với nguồn kinh phí ước tính 7,4 tỷ đồng.
Theo kế hoạch của PCU, dự kiến năm 2015 sẽ có trên 107 tỷ đồng của dự án giải ngân, trong đó có trên 87,482 tỷ đồng vốn vay IFAD (Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế) để thực hiện 417 hoạt động. Căn cứ vào đó, PCU đề ra Chiến lược trọng tâm năm 2015 của Dự án là đẩy nhanh tiến độ, tăng cường tính hiệu lực và tính hiệu quả của Dự án; thu hút sâu rộng hơn sự tham gia của khối tư nhân vào các dịch vụ đào tạo nghiệp vụ khuyến nông, cung cấp cây con giống, thú y, thu mua sản phẩm và thúc đẩy liên kết với các nhóm sản xuất của nông dân với các DN tư nhân trong việc hỗ trợ đầu vào lĩnh vực thương mại, chế biến... Để hoàn thành mục tiêu trên, PCU đề xuất các giải pháp tập trung thực hiện, trọng tâm là phân cấp mạnh cho các đơn vị thực thi dự án các cấp, đẩy nhanh công tác giải ngân và huy động sự tham gia chủ động hơn từ các đối tượng thụ hưởng là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ.
Bạch Thương