1.Trong đó phải kể đến cuộc khủng hoảng kéo dài tại Ukraine (U-crai-na). Ngoài việc làm cho cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây trở nên gay gắt hơn bao giờ hết kể từ thời Chiến tranh lạnh, cuộc khủng hoảng này cũng khiến cho các trục quan hệ nước lớn có những dịch chuyển quan trọng trong xu thế tìm kiếm và tập hợp lực lượng mới. Nhiều nhà phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014 là một bước phát triển mới của cuộc Cách mạng Cam năm 2014. Tuy nhiên, sự chia rẽ Đông-Tây bị đẩy lên thành xung đột chính trị khiến Ukraine rơi vào tình trạng hỗn loạn, sụp đổ KT-XH với cuộc nội chiến gây tổn thất lớn.
Không thể phủ nhận, cuộc trưng cầu dân ý tại bán đảo Crimea (Crưm) tháng 3-2014 và sắc lệnh sáp nhập của Tổng thống V.Putin (V.Pu-tin) đã khiến cho mối quan hệ Nga và Ukraine xấu đi nghiêm trọng. Ngay sau đó, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Moskva (Mát-xcơ-va) cũng liên tiếp được tung ra, khiến tất cả các bên liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine gần như rơi vào tình trạng “không thể lùi”.
Song song với đó, trong khi thế giới còn đang mải miết với các cuộc khủng hoảng quan hệ quốc tế, với những cuộc cạnh tranh địa chiến lược thì một lực lượng ngầm khác đang nổi lên đe dọa sự an nguy của toàn thế giới. Đó là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)-một biến tướng của Chủ nghĩa khủng bố quốc tế có quy mô và mức độ tàn bạo vượt qua cả Nhóm khủng bố al-Qaeda (An-kê-đa) gấp nhiều lần.
Rồi cuộc chiến tại Dải Gaza (Ga-da) kéo dài 51 ngày khiến khoảng 2.000 người bị thiệt mạng, một phần tư trong số đó là trẻ em. Mảnh đất Trung Đông vốn luôn chìm trong máu và lửa, trong năm qua đã trở nên hoang tàn sau thảm họa 51 ngày đêm!
2.Năm 2014 cũng đã đặt khu vực và thế giới trước bài học của việc bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và tôn trọng luật pháp quốc tế. Đó là cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Tại Biển Hoa Đông, Trung Quốc duy trì Vùng nhận diện phòng không thiết lập năm 2013. Thậm chí, máy bay Trung Quốc-Nhật Bản còn chạm trán trên vùng trời, tàu bè 2 nước va chạm tại vùng biển có tranh chấp.
Ở Biển Đông từ ngày 2-5 đến 15-7-2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa của Việt Nam. Một số lượng lớn tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự chủ động cản trở hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật và của ngư dân Việt Nam, gây nên tình hình căng thẳng.
Trung Quốc quyết liệt trong việc theo đuổi giấc mộng trở thành Cường quốc biển với quyền kiểm soát các tuyến hàng hải huyết mạch của châu Á tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, bỏ qua các công ước và luật pháp quốc tế.
3.Sau những hình ảnh đau thương từ các cuộc xung đột trên thế giới và các vụ khủng bố, người dân toàn thế giới lại phải hứng chịu những thảm họa và tai ương diễn ra liên tiếp trong năm 2014.
Máy bay số hiệu MH 370 của Malaysia mất tích một cách bí ẩn đem theo 239 số phận con người. Vụ chìm phà Sewol tại Hàn Quốc đã khiến 300 người tử nạn. Vụ máy bay MH 17 của Malaysia bị rơi tại miền Đông Ukraine khiến 298 người chết.
Gần đây nhất, đại dịch Ebola đã khiến ít nhất gần 1.800 người thiệt mạng và hơn 8.000 người bị nhiễm bệnh trên toàn thế giới. Sự lây lan dịch Ebola ở cấp số nhân đã đặt chính phủ các quốc gia trước thách thức lớn. Và cho tới lúc này, cả thế giới hiện vẫn đang trong cuộc đua tìm ra Vaccine (Vác-xin) và thuốc điều trị căn bệnh này.
PV