Kinh tế lao đao
Trong những ngày cuối năm, cú sốc mang tên đồng ruble đã đánh mạnh vào nền kinh tế nước Nga. Với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nhập khẩu của Nga, đồng ruble mất giá khiến họ gặp rất nhiều khó khăn. Còn với người dân, đồng ruble mất giá khiến họ rơi vào thảm cảnh bởi giá cả đắt đỏ trong khi lương không theo kịp tốc độ mất giá khủng khiếp của đồng ruble. Những người có tài khoản bằng ruble ở ngân hàng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Chỉ mấy tháng nay, việc đồng ruble mất giá tới gần 300% khiến cho không lãi suất nào có thể bù lại được cho các khoản tiền gửi bằng ruble của họ.
Giá dầu thấp đang gây ảnh hưởng tới kinh tế Nga. Ảnh: Internet
Tính từ đầu năm tới nay, đồng nội tệ của Nga đã mất 45% giá trị so với đồng USD và 40% giá trị so với đồng euro. Con số thiệt hại khoảng 100 tỷ USD mỗi năm do giá dầu giảm mới chỉ là ước tính ban đầu, bởi doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt chiếm tới 50% ngân sách của Nga. Đó còn chưa kể tới tình trạng thất thoát vốn ra nước ngoài. Theo Bộ Phát triển Kinh tế Nga, năm 2014, kinh tế nước này mất khoảng 130 tỷ USD do các dòng vốn liên tục “chạy” khỏi Nga.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009, giới chức Nga thừa nhận nền kinh tế nước này có nguy cơ rơi vào suy thoái và đồng ruble sẽ tiếp tục yếu trong năm 2015. Điều này phần nào phản ánh mức độ tác động nghiêm trọng của việc giá dầu giảm cùng hàng loạt biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt hòng gây sức ép với Moskva trong vấn đề Ukraine. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu của Nga như năng lượng, quốc phòng và tài chính. Bộ Kinh tế Nga dự báo các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể kéo dài tới năm 2016. Tuy nhiên, trước những khó khăn, Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) vẫn khẳng định, nền kinh tế nước này sẽ hồi phục và đồng ruble sẽ ổn định. Tình trạng khó khăn hiện nay có thể kéo dài lâu nhất là hai năm, song nền kinh tế nước này có thể phục hồi nhanh hơn nếu các yếu tố bên ngoài biến đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Theo ông Putin, Nga có thể sẽ phải áp dụng các biện pháp được sử dụng thành công năm 2008 và sẽ chú trọng tới việc hỗ trợ những đối tượng thực sự cần, tiếp tục duy trì các chỉ số xã hội đồng thời khẳng định nước Nga có đủ dự trữ ngoại tệ để giữ ổn định nền kinh tế.
Khó khăn kinh tế do ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt và giá dầu giảm cũng khiến Nga nhận ra rằng chính sách phát triển chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ và đầu tư phương Tây không còn phù hợp nữa. Theo Tổng thống Putin, các biện pháp trừng phạt từ bên ngoài cũng có thể là cơ hội để Nga đa dạng hóa nền kinh tế. Việc các nhà đầu tư rút vốn khỏi Nga có thể tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước này nâng cao khả năng sản xuất và cạnh tranh. Trong năm 2014, tại Nga đã có thêm khoảng 300 cơ sở sản xuất lớn đi vào hoạt động với hàng chục nghìn việc làm có năng suất cao trong các lĩnh vực hóa dầu, chế tạo ô tô, luyện kim, công nghiệp dược. Tổng thống Putin tuyên bố, nước Nga vẫn mở cửa với các nước trên toàn thế giới bằng cách tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài và đề nghị miễn thuế hoàn toàn để cho các dòng vốn trở lại nước Nga. Theo đó, dòng vốn này sẽ trở thành một khoản tiền đáng kể đóng góp cho kinh tế Nga vốn đang rất cần đầu tư. Với đề xuất trên, các nhà đầu tư có thể đưa vốn trở lại Nga, được bảo đảm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và dân sự. Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt từ bên ngoài là động lực để Moskva đạt mục tiêu đề ra, trong đó trong năm 2015 cần thoát khỏi mức tăng trưởng bằng 0, đuổi kịp và vượt mức tăng trưởng của thế giới, hạ mức lạm phát xuống dưới 4% tăng đầu tư vào nền kinh tế Nga đến năm 2018 lên 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng xuất khẩu sản phẩm thành phẩm cao lên 1,5 lần trong 3 năm tới.
Đối ngoại căng thẳng
Năm 2014, Moskva đã có một “sự kiện lịch sử” khi sáp nhập bán đảo Crimea (Crưm) vào Liên bang Nga. Trong bản Thông điệp liên bang năm 2014, Tổng thống V.Putin khẳng định, với Nga vùng đất này có giá trị to lớn và mỗi dân tộc đều có quyền lựa chọn con đường phát triển cho riêng mình. Nga luôn tôn trọng quyền tự quyết của mỗi dân tộc, trong đó có dân tộc Ukraine, và kêu gọi không chính trị hóa, mà nỗ lực hỗ trợ Ukraine thực hiện cải cách. Ông cho biết trong thời gian gần đây, Nga đã cho Ukraine vay từ 32,5-33,5 tỷ USD. Đặc biệt, tháng 10-2014, Ukraine và Nga đã có bước tiến quan trọng trong việc nối lại cung cấp khí đốt cho Kiev và đạt thỏa thuận sơ bộ về giá bán khí đốt của Moskva trong mùa Đông tới. Đây được coi là một trong những tín hiệu tích cực trong việc cải thiện mối quan hệ giữa Nga và Ukraine.
Mặc dù vậy, “sự kiện lịch sử” trên lại là một trong những nguyên nhân làm gia tăng sự đối đầu giữa Nga và các nước phương Tây. Thậm chí, giới chuyên gia đã chỉ ra những dấu hiệu của một cuộc "Chiến tranh Lạnh" kiểu mới khi hai bên liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt trả đũa, không ngừng chỉ trích, cáo buộc, thậm chí đe dọa lẫn nhau. Ngoài thực hiện các biện pháp hòng bóp nghẹt nền kinh tế Nga, các nước phương Tây cũng tìm cách cô lập Moskva trên lĩnh vực ngoại giao. Các nước G-7 đã tẩy chay hội nghị thường kỳ của nhóm dự kiến được tổ chức tại thành phố Sochi (Xô-tri) của Nga, hồi tháng 6 vừa qua, sau đó tuyên bố loại Moskva ra khỏi G-8.
Trong khi quan hệ giữa Nga và phương Tây "chạm đáy", thì sự hợp tác giữa Nga - với tư cách là một quốc gia có uy tín và một ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - cùng các nước khác trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế cũng bị gián đoạn. Các bên không thể phối hợp đối phó với những nguy cơ và thách thức mới đe dọa an ninh toàn cầu. Đó là điều khiến cộng đồng quốc tế vô cùng lo ngại. Mặc dù vậy, Tổng thống V.Putin vẫn khẳng định, trong bất kể trường hợp nào, Moskva không muốn cắt đứt quan hệ với châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, Nga luôn có đối tác và bạn bè chiến lược trên thế giới và sẽ luôn chống lại ý đồ bóp méo hình ảnh nước Nga, kể cả trong bối cảnh hiện nay, mà ông Putin mô tả là các nước phương Tây đang cố gắng dựng nên một "bức màn sắt" quanh Moskva. Tổng thống Putin cũng khẳng định, Nga sẽ không đi con đường tự cô lập mình, kỳ thị, nghi ngờ và tìm kiếm kẻ thù. Mục tiêu của nước Nga vẫn sẽ là tìm kiếm ngày càng nhiều đối tác bình đẳng ở phương Tây cũng như ở phương Đông. Theo Tổng thống Nga, kể từ tháng 1-2015, Liên minh Âu-Á (EAEU) sẽ vận hành đầy đủ. Ông nhấn mạnh nguyên tắc bình đẳng, thực tế và tôn trọng lẫn nhau trong EAEU, bày tỏ tin tưởng sự hợp tác chặt chẽ sẽ là nhân tố mạnh mẽ cho sự phát triển của tất cả các thành viên trong liên minh. Ông Putin cũng nhắc đến sự phát triển nhanh chóng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, "Là một cường quốc ở Thái Bình Dương, Nga sẽ tận dụng toàn diện tiềm năng to lớn này".
Để phá vòng vây trừng phạt của phương Tây, năm 2014, Tổng thống Nga V.Putin đã thực hiện nhiều chuyến ngoại giao “con thoi” nhằm khai phá những thị trường mới. Các bạn hàng mà Nga nhắm đến chính là những nước bạn bè truyền thống của Liên Xô trước đây như Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều đối tác khác ở châu Á, Mỹ Latinh,... Trong khi các nước phương Tây tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga, Moskva đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực này với các đối tác mới, đặc biệt là bản hợp đồng cung cấp khí đốt khổng lồ trị giá 400 tỷ USD trong vòng 30 năm với Trung Quốc. Moskva cũng tìm kiếm nguồn nhập khẩu thay thế thực phẩm và rau quả từ Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Trung Quốc và các nước Mỹ Latinh. Vô hình trung, các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và phương Tây lại trở thành cơ hội cho các nền kinh tế khác thâm nhập vào thị trường rộng lớn của “xứ sở Bạch Dương”.
Trong Thông điệp liên bang năm 2014, Tổng thống Putin thừa nhận phía trước Nga là chặng đường nhiều khó khăn và thử thách, phải trông cậy vào hành động của người dân Nga. Còn người dân Nga, bất chấp những khó khăn chồng chất của năm 2014, vẫn tin tưởng vào đường lối cũng như hành động của Tổng thống Putin. Tạp chí Forbes danh tiếng của Mỹ đã lần thứ hai liên tiếp bầu ông Putin là nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế giới do những đóng góp của ông trong việc phát triển nước Nga cũng như khẳng định được vai trò trong các vấn đề quốc tế.
Và không phải ngẫu nhiên mà người dân Nga lại tin tưởng vào vị tổng thống của mình và bình chọn ông là “Nhân vật nổi tiếng nhất nước Nga trong năm 2014”. Sau 14 năm liên tục nắm giữ hai vị trí quyền lực nhất "xứ sở Bạch Dương", ông Putin được đánh giá là đã thành công khi đưa nước Nga từ bờ vực đổ vỡ và hỗn loạn cuối những năm 90 của thế kỷ XX trở lại vị trí cường quốc vào thập niên đầu thế kỷ XXI. Nước Nga, dưới bàn tay “chèo lái” của ông Putin, đã vượt qua nhiều trở ngại để tìm lại con đường tăng trưởng. Ngân sách Nga đã tăng gấp 22 lần, chi phí quốc phòng tăng 30 lần và GDP tăng 12 lần. Thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước tăng 18,5 lần, lương hưu tăng 14 lần,.... Theo Trung tâm Nghiên cứu ý kiến xã hội toàn Nga (VSIOM), năm 2014, uy tín của Tổng thống V.Putin đã lên cao kỷ lục với 81% phiếu bình chọn, vượt xa tỷ lệ 66% của năm 2013.
Các nhà phân tích cho rằng, thách thức đôi khi cũng là cơ hội để nước Nga phát huy nội lực bởi trên hết, sự phát triển của nước Nga phụ thuộc vào chính người Nga.
P.Nam (tổng hợp)