Vấn đề hôm nay:

Quyết tâm thôi, chưa đủ!

(NTO) Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là nội dung quan trọng hàng đầu trong thực hiện cải cách hành chính, bởi lẽ một khi thủ tục được rà soát, ban hành theo hướng thuận lợi cho đối tượng chịu sự điều chỉnh sẽ góp phần tạo sự công khai, minh bạch… Đây cũng chính là điều kiện để hạn chế tình trạng “hành” dân, doanh nghiệp…, cũng như thái độ “trịch thượng” của cán bộ, công chức, viên chức (CB,CV,VC) khi thực thi công vụ.

Nhìn lại năm 2014, qua thẩm định, đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy công tác cải cách TTHC ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đều thực hiện công khai các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại bộ phận “một cửa” và việc công khai này được thực hiện bằng hình thức niêm yết tại trụ sở, đồng thời cả trên trang tin điện tử của cơ quan, đơn vị… để tổ chức, cá nhân có nhu cầu tự tra cứu, lập đầy đủ thủ tục trước khi thực hiện “giao dịch”.

Cán bộ tiếp công dân tại bộ phận “một cửa” thuộc UBND phường Đô Vinh. Ảnh: Văn Miên

Điều cũng đáng ghi nhận là cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ngày càng phát huy được hiệu quả, nhất là trong việc tạo sự liên kết, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc giải quyết các công việc cho tổ chức, cá nhân nhanh chóng, “tiết kiệm” nhiều thời gian đi lại, chờ đợi…

Một trong những kết quả nữa là ý thức trách nhiệm của CB, CC, VC được nâng lên, thái độ ứng xử có nhiều thay đổi theo hướng “trọng dân, gần dân”. Rõ nhất là qua tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của người dân về thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại cấp huyện thì có trên 50,5% số người được hỏi đều tỏ ra hài lòng, có 24,2% ý kiến cho rằng rất hài lòng cả về thủ tục đến thái độ ứng xử. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục khắc phục, đó là tình trạng giải quyết trễ hẹn hay tồn đọng ở một số sở, ngành, địa phương vẫn còn xảy ra. Cơ chế “liên thông” giữa các ngành, địa phương thực hiện chưa thật trôi chảy. Thái độ ứng xử của CB,CC,VC nhất là tại bộ phận “một cửa” ở một số ngành, địa phương còn “quan liêu”, chưa làm hết trách nhiệm trong việc hướng dẫn thủ tục… dẫn đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phải đi lại bổ sung hồ sơ nhiều lần, tạo “điểm nghẽn” trong thực hiện chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, gây nên sự bất bình không đáng có, đồng thời làm giảm “chỉ số” niềm tin… Để khắc phục tình trạng này, yêu cầu đặt ra là cần phải xem xét lại tư cách, đạo đức công vụ của CB, CC, VC khi nhận “được” nhiều ý kiến phàn nàn. Mặt khác, cần gắn quán triệt tinh thần đổi mới, cải cách của tỉnh đến từng CB, CC, VC thực thi công vụ ở cơ sở, vì hơn ai hết họ mới thực sự là người hoặc là tạo nên hài lòng, hoặc là “ngao ngán” đối với tổ chức, doanh nghiệp, công dân khi quan hệ giao dịch, đầu tư tại địa phương.

Suy cho cùng chỉ mới thể hiện quyết tâm thôi cũng chưa đủ mà cần biến quyết tâm đó thành hành động cụ thể, hiệu quả trong cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh.