Với đặc thù là một huyện miền núi, phần lớn bà con đều là đồng bào dân tộc thiểu số, nên rất hạn chế trong việc ứng dụng những tiến bộ khoa học-kỹ thuật, cũng như việc chậm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất. Vì vậy, đời sống của nhiều hội viên chưa được cải thiện. Nhằm tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, Hội đã chủ động liên kết với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hội viên. Qua đó, nhiều hội viên được học cách nuôi, trồng và chăm sóc cây, con để mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, Hội còn chú trọng phối hợp với các Trung tâm dạy nghề mở các lớp dạy nghề cho học viên. Từ đầu năm tới nay, đã có trên 300 lao động được giải quyết việc làm ổn định.
Gia đình ông Katơ Thâm trồng bắp lai đạt hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, từ phong trào đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, thông qua nguồn vốn Quỹ “Hỗ trợ nông dân”, Hội chủ động xây dựng các dự án, mô hình để các hội viên vay vốn đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập. Trong đó, nổi bật là các mô hình: Trồng bắp lai tại xã Phước Bình đạt năng suất cao, trồng lúa nước ở xã Phước Thắng với diện tích 20 ha, cho 25 hộ; Dự án nuôi dê sinh sản của 12 hộ dân xã Phước Trung... Hằng năm, Hội Nông dân các xã còn chủ động liên kết với các tổ chức tín dụng gải quyết vốn vay cho nông dân. Trong năm 2014, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giải ngân với số tiền trên 26 tỷ đồng cho hàng trăm hộ vay. Để giúp nông dân sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả, các cấp Hội từ huyện đến cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình.
Đến nay, từ sự hỗ trợ tích cực của các cấp Hội, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như hộ ông Katơ Thâm (ở thôn Chà Panh, xã Phước Hòa) từ nguồn vốn vay của Hội Nông dân, ông đã xây dựng được mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi bò sinh sản đã đem lại thu nhập ổn định gần 50 triệu đồng/năm; hay hộ anh Katơ Bưng (thôn Suối Rớ, xã Phước Chính) sở hữu 1 ha đất trồng bắp lai (mỗi năm sản xuất 2 vụ) nhờ chủ động nguồn nước tưới và ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất bắp luôn đạt từ 5-6 tấn/ha. Sau mỗi vụ thu hoạch, trừ chi phí, anh thu lãi trên 20 triệu đồng...
Ông Trương Thọ Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bác Ái cho biết: Trong thời gian tới, Hội sẽ tích cực tuyên truyền hội viên nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, tiếp tục nhân rộng các mô hình có hiệu quả, chú trọng các hoạt động tập huấn, hỗ trợ vốn vay... từng bước nâng cao chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế cho hội viên.
Hồng Lâm