(NTO) Hưởng ứng chủ trương của Tổng Cục VIII – Bộ Công an, Trại Giam Sông Cái (xã Phước Tiến, huyện Bác Ái) đã tổ chức cho phạm nhân viết thư “Gửi lời xin lỗi”. Sau hơn 6 tháng phát động đã có 1.212 lá thư của phạm nhân bày tỏ ân hận, hối tiếc, gửi lời xin lỗi tha thiết đến người bị hại, thân nhân người bị hại, thân nhân gia đình, cơ quan, tổ chức... mong được tha thứ lỗi lầm, quyết tâm học tập, lao động, cải tạo tốt, sớm trở về với xã hội đã nói lên hiệu quả thiết thực của chủ trương này trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân.
Các phạm nhân giao lưu tại buổi sơ kết. Ảnh: Nguyễn Sơn
Đối với hầu hết những người chấp hành án phạt tù, bản án do chính "tòa án lương tâm" của họ có lẽ là bản án ám ảnh nhất. Mặc cảm với tội lỗi do mình gây nên hầu hết phạm nhân không dám nói lời xin lỗi đến gia đình, người thân, người mình làm tổn thương, dù họ rất muốn điều đó. Chủ trương viết thư “Gửi lời xin lỗi” đã thật sự khích lệ, tạo cơ hội để người phạm tội trút bỏ mặc cảm, tự ti để bày tỏ sự ăn năn, hối hận trước hành vi mà họ gây ra. Mỗi phạm nhân có một hoàn cảnh, động cơ phạm tội riêng biệt, nhưng tất cả những lá thư “gửi lời xin lỗi” của các phạm nhân Trại giam Sông Cái đều chất chứa nỗi niềm mong được người thân yêu trong gia đình, người bị họ làm tổn thương rộng lượng tha thứ cho tội lỗi mà mình đã gây ra.
Khó có thể kìm nén xúc động khi đọc những dòng chữ trong bức thư của phạm nhân Trần Hoàng Việt, sinh năm 1991, tại thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn gửi cho ba mẹ. Từng nét chữ của Việt ám ảnh sự dày vò, hối hận. Chỉ vì một phút không kiềm nén được cơn tức giận, Việt đã ra tay sát hại một mạng người. Sau hai lần xét xử, Việt mang bản án 10 năm tù giam, thụ án tại Trại Giam Sông Cái. Trong thư gửi cho ba mẹ, Việt đã viết: “Bố mẹ kính nhớ! …Lúc con đặt bút viết thư này là lúc con ướt đầm nước mắt, tay con run lên bần bật và trái tim con như bị nghiền nát. Con có lỗi với bố mẹ nhiều lắm. Bố mẹ sinh con ra trong khó nhọc, nuôi con ăn học để mong con thành người. Bố mẹ đặt kỳ vọng vào con nhiều lắm. Vậy mà, con lại gây ra tội lỗi tày trời…Ngày con bị bắt giam, con lo sợ, hoảng loạn, đau khổ tột cùng…Có lẽ lương tâm không bao giờ tha thứ cho con…”
Phạm nhân Trần Minh Dũng, sinh năm 1994, ngụ thôn Sơn Hải 1, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận thụ án 16 năm về tội giết người cũng đã ray rứt ân hận khi nghĩ về lỗi lầm của mình qua thư gửi về cho ba mẹ: “…Từ ngày con bị bắt cho đến nay, bây giờ con mới dám mạnh dạn viết đôi dòng về xin lỗi ba, mẹ và anh chị em trong gia đình…Con thật sự ăn năn vì đã phụ công lao, tình cảm của bao nhiêu người dành cho con. Nghĩ về gia đình, con không thể không kềm được nước mắt. Giá như, ngày đó, con có suy nghĩ đúng hơn về tương lai của mình, nhận ra đâu là cái tốt, cái xấu và vượt qua được cám dỗ của cuộc sống, những đam mê ngang ngược của tuổi trẻ thì giờ đây con không phải ray rứt, ân hận…”.
Nhằm giúp người thân, người bị hại hiểu được tâm trạng day dứt, trăn trở, ăn năn hối cải của phạm nhân, qua đó mở rộng tấm lòng bao dung độ lượng để tha thứ để động viên phạm nhân yên tâm học tập, lao động cải tạo, Ban Giám thị Trại Giam Sông Cái gửi thư “Gửi lời xin lỗi” đến cho từng gia đình, người bị hại. Trong một số trường hợp, cán bộ Trại đã cầm thư đến tận nhà. Hầu hết thân nhân người bị hại đều bất ngờ trước những lá của những người đã gây ra đau thương tột cùng cho gia đình họ. Dầu nỗi đau mất người thân vẫn chưa thể nguôi ngoai nhưng lời xin được tha thứ được viết trong tận cùng nỗi niềm hối tiếc của các phạm nhân, nỗi đau thương của họ dường như được vơi đi, tấm lòng bao dung, độ lượng của họ được gợi mở. Chị Lâm Thị Ánh Nguyệt, ngụ phường Tấn Tài, Tp. PR-TC nghẹn ngào nước mắt khi nhận được lá thư của phạm nhân Phạm Văn Hoàng đã gây ra cái chết của chồng chị. Cầm lá thư trên tay, im lặng trong giây lát, chị Nguyệt thổ lộ: “Nỗi đau vợ mất chồng, con mất cha khó gì bù đắp được. Nhưng sự việc đáng tiếc đã xảy ra rồi, không tha thứ thì chồng tôi không sống lại được, bên cạnh đó, gia đình anh Hoàng thường quan tâm động viên mẹ con tôi nên tôi có phần tha thứ cho anh Hoàng nếu anh Hoàng thật sự ăn năn, hối cải…”.
Chủ trương viết thư “Gửi lời xin lỗi” do Tổng Cục VIII – Bộ Công an phát động đã mang lại hiệu quả hết sức thiết thực trong công tác giáo dục, cải tạo đối với những người có quá khứ lầm lỗi, phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Đại tá Phạm Văn Giới, Giám thị Trại giam Sông Cái tâm sự: “Chủ trương viết thư “Gửi lời xin lỗi” mang tính nhân văn sâu sắc, giúp cho phạm nhận nhận thức sâu sắc lỗi lầm của mình, phần khơi gợi trong họ tính hướng thiện, mong ước được sớm hoàn lương trở về với đời sống cộng đồng, từ đó họ yên tâm học tập cải tạo, chấp hành tốt kỷ luật. Qua theo dõi, rất nhiều phạm nhân sau khi viết thư đã có chuyển biến tốt về mặt tâm tư tình cảm, vui vẻ, lạc quan hơn. Không những thế, phong trào này đã giúp các bộ trực tiếp quản lý, giáo dục phạm nhân nắm bắt tâm tư, tình cảm của họ để có biện pháp giáo dục phù hợp hơn, quan trọng nhất là đã góp phần giúp xã hội có cái nhìn bao dung, rộng lượng đối với những người tay trót nhúng chàm”. Cũng theo lời Đại tá Phạm Văn Giới, trong thời gian tới, Trại giam Sông Cái sẽ tiếp tục tổ chức cho phạm nhân viết thư “Gửi lời xin lỗi”, coi đây là một biện pháp giáo dục phạm nhân yên tâm phấn đấu học tập, lao động, cải tạo.
Không bao giờ quá muộn nếu ai đó biết hối lỗi chân thành. Đối với những người từng chịu sự trừng phạt của pháp luật, cánh cửa cuộc đời sẽ không bao giờ đóng với họ nếu như thật tâm muốn làm lại cuộc đời.
Bé Hoa