|
Trương Văn Thọ Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình |
Phóng viên: Với chủ đề ngày Dân số Việt Nam năm nay, tỉnh ta có những hoạt động hưởng ứng như thế nào?
Đồng chí Trương Văn Thọ: Với chủ đề Ngày Dân số Việt Nam năm nay là “Duy trì mức sinh thấp hợp lý- Vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”, năm nay, ngành Dân số tỉnh ta đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Ngoài việc tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, các ngành, đoàn thể thực hiện các hoạt động hướng tới sự kiện này, ngành phối hợp với các cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền các vấn đề đang đặt ra đối với công tác DS-KHHGĐ như: chất lượng dân số, cơ cấu dân số và quy mô dân số, mức sinh hợp lý, già hóa dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em... Ngành cũng tổ chức các hội nghị, đối thoại, giao lưu để những người làm công tác dân số cùng trao đổi tìm giải pháp cụ thể ở mỗi địa phương nhằm kiểm soát mức sinh, duy trì mức sinh thấp hợp lý trong hiện tại và tương lai; tăng cường các hoạt động tư vấn, cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho các nhóm đối tượng, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch DS-KHHGĐ năm 2015.
Phóng viên: Đồng chí cho biết những kết quả nổi bật về công tác Dân số của tỉnh trong năm 2014 và các mục tiêu chủ yếu của công tác dân số trong năm 2015?
Đồng chí Trương Văn Thọ: Nhờ thực hiện tốt công tác truyền thông vận động, truyền thông chuyển đổi hành vi, trong năm 2014, công tác DS-KHHGĐ ở tỉnh ta có nhiều chuyển biến đáng kể cả về nhận thức và tổ chức thực hiện. Điều này được thể hiện rõ nét qua số liệu các chỉ tiêu đề ra trong năm đều đạt và vượt. Cụ thể, tỷ suất sinh năm 2014 giảm 0,29 %o so với năm 2013; tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai tăng 0,6% so với cùng kỳ; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm còn 1,16%.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Đó là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng tăng trở lại (tăng 0,2% so với cùng kỳ và tăng 1,5% so với kế hoạch năm). Vì vậy, trong thời gian tới, ngành tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm duy trì mức sinh thấp hợp lý, như: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn trực tiếp tại cộng đồng, truyền thông đại chúng theo định hướng ưu tiên cho cơ sở, ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, địa bàn đặc thù. Tiếp tục duy trì có hiệu quả các mô hình, đề án, chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến các xã vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn...Từ đó giúp mỗi cá nhân, cặp vợ chồng nâng cao nhận thức, tự nguyện quyết định số con, thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh nhằm bảo vệ sức khỏe và nuôi dạy con được tốt hơn, cải thiện đời sống của gia đình. Ngoài ra, ngành còn thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn về quản lý và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ huyện, xã, mạng lưới cộng tác viên và cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ. Mục tiêu đến cuối năm 2015, phấn đấu giảm tỷ suất sinh toàn tỉnh xuống đạt 2,34 con/phụ nữ trong độ tuổi từ 15-49; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn dưới 15,6%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,15%; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 72,8%. Để đạt được kết quả này, ngoài sự tập trung phấn đấu của toàn ngành, rất cần sự lãnh đạo và phối hợp có hiệu quả của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể trong tỉnh.
Phóng viên: Xin cám ơn đồng chí!
Mỹ Dung (thực hiện)