Nỗ lực kích cầu tiêu dùng
Nhìn lại hoạt động thương mại năm 2014 cho thấy, các nhóm mặt hàng chủ yếu góp phần làm tăng CPI của tỉnh, gồm: Thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm, trứng, thủy sản...) tăng 4,69%; nhóm may mặc tăng 5,4% và nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 2,02%. Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Đạt kết quả trên là do ngành đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; đồng thời kích cầu đầu tư và tiêu dùng thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu, đưa hàng Việt về nông thôn... Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh để nâng cấp, xây mới hệ thống các chợ, siêu thị phủ khắp từ đô thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Siêu thị Co.op mart Thanh Hà luôn là tâm điểm mua sắm hàng Việt của người dân các địa phương trong tỉnh.
Ảnh:Sơn Ngọc
Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 2 siêu thị và 106 chợ các loại. Trong đó, đáng kể nhất là Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà, với phương thức kinh doanh, văn minh, sản phẩm đảm bảo chất lượng, đã tạo được uy tín với người tiêu dùng trong tỉnh. Ông Nguyễn Hải Đông, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà cho biết: Hiện Siêu thị chúng tôi đang kinh doanh trên 14.000 mặt hàng, trong đó có trên 90% là hàng Việt Nam. Mặc dù thời gian gần đây sức mua trong dân có chiều hướng giảm, nhưng doanh số bán hàng của siêu thị vẫn tăng 5% so với cùng kỳ.
Ngoài các kênh phân phối ở trung tâm thành phố, hệ thống thương mại ở miền núi cũng phát triển khá phong phú, với gần 1.000 tiệm tạp hóa và đại lý kinh doanh các mặt hàng thiết yếu. Hệ thống này tuy phát triển mang tính tự phát, có quy mô nhỏ, tính chuyên nghiệp trong quản lý và kinh doanh không cao, nhưng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng cho người dân địa phương. Một điểm đáng chú ý nữa là để kích cầu người tiêu dùng, trong năm 2014, ngoài việc tổ chức 4 Phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”, ngành Công Thương còn chỉ đạo, phối hợp 4 doanh nghiệp tổ chức được 56 chuyến bán hàng lưu động về 30 xã của 6 huyện trong tỉnh. Thông qua các hệ thống này, đã góp phần đưa tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong năm đạt 12.343 tỷ đồng, tăng 14,7% so cùng kỳ.
Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng
Dạo quanh một vòng từ Tp.Phan Rang – Tháp Chàm qua các huyện Ninh Phước, Ninh Hải... vào thời điểm cuối năm, chúng tôi nhận thấy tình hình lưu thông hàng hóa và sức mua của người dân diễn ra khá ổn định. Đặc biệt, tại một số xã miền núi của huyện Ninh Sơn, Bác Ái, các mặt hàng cao cấp như: Điện tử, điện máy, điện lạnh…, cũng đã xuất hiện với nhiều cửa hàng kinh doanh, giá cả không có sự chênh lệch lớn với vùng đồng bằng, tạo nên thị trường ngày càng phong phú. Mặc dù giá cả trong những tháng vừa qua có sự ổn định, song thực tế từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi- 2015 vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố đẩy giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao do nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết tăng, tư thương lợi dụng tăng giá.
Người dân huyện Bác Ái mua sắm tại Phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn".
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, trước những diễn biến bất lợi trên, trước mắt, ngành Công Thương đang phối hợp các đơn vị truyền thông, các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin để người dân và các doanh nghiệp không tham gia và tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, vận chuyển, mua bán hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả. Cùng với đó, ngành còn đôn đốc và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh và dự trữ các loại hàng hóa phục vụ Tết. Tăng cường kiểm soát hệ thống phân phối lưu thông, việc thanh, kiểm tra, niêm yết giá bán của tiểu thương, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về đầu cơ, liên kết độc quyền, lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết để trực lợi bất chính.
Tập trung đẩy mạnh việc quy hoạch xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị đi đôi với việc mở rộng hệ thống chợ, nhất là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án Trung tâm Thương mại Maximark Phan Rang. Đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, hoạt động xúc tiến thương mại và cung cấp thông tin dự báo thị trường cho các doanh nghiệp. Mở rộng mạng lưới phân phối theo hướng văn minh, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức và cá nhân hoạt động thương mại chủ động hội nhập vào xu thế phát triển của cả nước và khu vực. Phấn đấu đến cuối năm 2015, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 14.240 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ.
Văn Thanh