|
PGS-TS Phạm Văn Hiền |
Phóng viên: Thưa ông! Sau việc xây dựng phân hiệu ở tỉnh Ninh Thuận, được biết gần đây Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh còn tham gia vào chương trình nông thôn mới ở tỉnh. Cụ thể thế nào?
PGS-TS Phạm Văn Hiền: Chúng tôi mới khảo sát sơ bộ cho chương trình nông thôn mới, chưa làm được gì nhiều. Nhưng về nghiên cứu khoa học, những năm gần đây trường đã thực hiện được một số đề tài nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận. Đơn cử như đề tài “Một số giải pháp khoa học-công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp bền vững có hiệu qủa trên đất dốc miền núi tỉnh Ninh Thuận”. Đề tài đã đưa ra được mô hình canh tác trên đất dốc hiệu quả và chọn được giống mì KM 228 và KM 419 có năng suất cao và chất lượng khá chuyển giao cho nông dân tại huyện Ninh Sơn (Bác Ái).
Đề tài “Xây dựng hệ thống canh tác thích hợp nhằm xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Raglai tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải”, xây dựng được 3 mô hình: Trồng cây ăn trái phân tán trong vườn nhà, thâm canh lúa và nuôi ong mật dưới tán vườn rừng.
Mô hình canh tác thích hợp nhằm xóa đói giảm nghèo cho người đồng bào dân tộc Raglay
tại xã Vĩnh Hy, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
Phóng viên: Về định hướng phát triển Phân hiệu trở thành Trường Đại học Ninh Thuận-theo ông đánh giá thế nào?
PGS-TS Phạm Văn Hiền: Việc thành lập Phân hiệu Đại học Nông Lâm tại Ninh Thuận là quyết tâm lớn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận, nhằm tạo tiền đề hướng tới thành lập Trường Đại học Ninh Thuận trong tương lai gần. Bước đầu thành lập còn gặp một số khó khăn về đội ngũ, quy mô tuyển sinh, cơ sở vật chất… nhưng đến nay, Phân hiệu Đại học Nông Lâm tại Ninh Thuận đã từng bước đi vào ổn định và trên đà phát triển với quy mô tăng dần hàng năm.
Định hướng cho sự phát triển Phân hiệu trở thành Trường Đại học Ninh Thuận, tại buổi làm việc ngày 21-11-2013 giữa đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận và PGS-TS Nguyễn Hay-Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh - đã nhất trí: Tỉnh Ninh Thuận và Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp chặt chẽ để xây dựng đề án trình Bộ Gíao dục và Đào tạo xin phê duyệt chủ trương đầu tư để tiến hành các bước tiếp theo, định hướng một số ngành nghề chủ lực trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp để phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu cho phân hiệu. Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu, đề xuất một số đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng, chuyển giao khoa học-công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận.
Phóng viên: Riêng về đào tạo, từ khi bắt đầu tuyển sinh đến nay, phân hiệu đã áp dụng những quy chế hay tiêu chuẩn nào để thể hiện sự quan tâm và ưu tiên xét tuyển những thí sinh là con em trong tỉnh Ninh Thuận?
PGS-TS Phạm Văn Hiền: Chúng tôi luôn quan tâm và ưu tiên xét tuyển những thí sinh là con em của tỉnh Ninh Thuận. Ngay trong thông báo tuyển sinh, tuyển dụng cũng ghi ưu tiên cho đối tượng là người có hộ khẩu ở tỉnh Ninh Thuận. Đến nay, Phân hiệu Đại học Nông Lâm tại Ninh Thuận sắp có một thế hệ sinh viên tốt nghiệp ra trường. Số sinh viên này tuy không nhiều, chỉ 16 sinh viên ngành Quản lý đất đai và 39 sinh viên ngành Công nghệ-Thông tin, nhưng hầu hết là sinh viên của Ninh Thuận. Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên này sẽ được Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh cấp bằng đại học hệ chính quy.
Trong quá trình học tập, năm đầu tiên các môn học cơ bản các em được những giảng viên có trình độ sau đại học của Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận giảng dạy và ở các năm học tiếp theo, các môn học do giảng viên ở Trường Đại học Nông Lâm giảng dạy. Những môn học có nhiều giờ thực hành, thực tập, trước mắt các em sẽ tạm vào trường chính tại TP. Hồ Chí Minh để học. Về lâu dài, khi được đầu tư đầy đủ, chương trình học tập sẽ được thực hiện hoàn toàn tại Phân hiệu.
Đặc biệt, trong năm học 2012-2013, Phân hiệu đã tổ chức đào tạo một lớp cử tuyển miễn học phí gồm 12 sinh viên (không thi tuyển), dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bác Ái, theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ. Sau một năm học cử tuyển, các sinh viên này đã được xét và biên chế vào học chính thức, hiện là năm thứ 2 hệ đại học chính quy ngành Quản lý Tài nguyên-Môi trường.
Mặc dù sinh viên học tại Phân hiệu Đại học Nông Lâm tại Ninh Thuận nhưng các quy chế và quy trình đào tạo đều phải tuân thủ theo quy định chung của Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, không có trường hợp ngoại lệ nào. Đối với Phân hiệu, công tác kiểm tra, giám sát giảng viên giảng dạy cũng như việc thực hiện quy chế tuyển sinh, thi cử đều thực hiện nghiêm túc, công bằng, khách quan theo đúng các quy chế hiện hành. Hiện tại, chúng tôi chưa phát hiện trường hợp tiêu cực nào liên quan đến đào tạo, thi cử. Có thể thấy được điều này qua việc thi các môn học kỳ. Cụ thể, trường cử Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng mang đề thi ra và tổ chức thi, không để Phân hiệu tự tổ chức. Trong việc giảng dạy, các khoa đều phải ưu tiên chọn giáo viên giỏi, có kinh nghiệm chuyên môn ra giảng dạy cho các lớp chuyên ngành tại Phân hiệu.
PGS-TS Phạm Văn Hiền cho biết, trong quy định về tuyển sinh, hiện khu vực tuyển sinh của Phân hiệu Đại học Nông Lâm tại Ninh Thuận là trong phạm vi miền Trung và Tây Nguyên. Thực tế, nhiều năm qua vẫn có một số thí sinh ngoài vùng tuyển có nhu cầu học tập tại Phân hiệu này. Đây là một thực tế cần phải lưu ý. Ngoài ra, trường cũng sẽ mở rộng cho khu vực miền Trung và cực Nam Trung Bộ chương trình đào tạo sau đại học cũng như các chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ.
Duy Cường (thực hiện)