Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 45/2014/TT-BGDĐT Quy định về việc chuyển đổi loại hình trường ĐH dân lập sang loại hình trường ĐH tư thục. Thông tư quy định quyền lợi của tổ chức xin thành lập trường, cá nhân có công.
trong quá trình thành lập, phát triển trường dân lập và thành viên Hội đồng quản trị đương nhiệm. Theo đó, tổ chức xin thành lập trường dân lập được ưu tiên góp vốn bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước để trở thành cổ đông của trường tư thục. Tổ chức xin thành lập trường dân lập không góp vốn thì không còn quyền và nghĩa vụ đối với trường tư thục.
Ảnh minh họa
Các cá nhân có công trong quá trình thành lập, phát triển trường dân lập, các thành viên đương nhiệm của Hội đồng quản trị trường dân lập chưa góp vốn được ưu tiên góp vốn để trở thành cổ đông của trường tư thục.
Tổ chức xin thành lập trường, các cá nhân có công trong quá trình thành lập, phát triển trường dân lập, các thành viên đương nhiệm của Hội đồng quản trị trường dân lập trước đây đã góp vốn nhưng đã chuyển nhượng hết phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác thì không được hưởng quyền ưu tiên góp vốn. Hội đồng quản trị trường dân lập cùng với Đảng ủy, Công đoàn giải quyết quyền lợi chính đáng, hợp pháp đối với các cá nhân có công trong quá trình thành lập và phát triển trường dân lập.
Trong Thông tư 45/2014/TT-BGDĐT cũng xác định vốn điều lệ và huy động vốn điều lệ tăng thêm cho trường đại học tư thục. Theo đó, vốn điều lệ của trường tư thục khi chuyển đổi từ trường dân lập là vốn của các tổ chức, cá nhân góp ban đầu và góp trong quá trình hoạt động của trường đại học dân lập sau khi được Hội đồng quản trị trường dân lập quyết định phương thức bảo toàn giá trị vốn góp theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Thông tư này.
Hội đồng quản trị trường ĐH dân lập quyết định công nhận đối với số vốn điều lệ, giá trị mỗi cổ phần, số lượng cổ phần của trường tư thục khi chuyển đổi từ trường dân lập.
Nguồn VOV Online