Ngư dân Trần Công Thắng có chí hướng vươn khơi xa và là người đầu tiên đăng ký vay vốn đóng tàu vỏ sắt theo Nghị định số 67.
Theo giải thích của anh Thắng, cũng như nông dân canh tác trái vụ bán được nông sản giá cao, anh sẵn sàng đương đầu sóng gió khai thác nhiều mẻ cá và có thể bán được gấp rưỡi hoặc gấp đôi giá bán vụ Nam. Hiện nay, anh đang sở hữu 2 tàu cá hành nghề lưới rê đáy (còn có tên lưới quét), gồm 1 chiếc công suất 310 CV và 1 chiếc công suất 326 CV, thường xuyên hoạt động ở ngư trường trải rộng từ đảo Phú Quý (Bình Thuận) đến giàn khoan DK1 (Bà Rịa-Vũng Tàu), thỉnh thoảng còn ra vùng biển gần quần đảo Trường Sa (trong năm nay đã có 4 chuyến đánh bắt). Vào vụ Nam, 2 tàu cá của anh chỉ tham gia đánh bắt 3 tháng bằng nghề lưới rê nổi, nhưng sang vụ Bấc, sẽ hoạt động suốt 6 tháng bằng nghề lưới rê đằm. Mỗi chuyến ra khơi đánh bắt kéo dài 10-12 ngày, bình quân 1 tàu đánh bắt đạt sản lượng khoảng 5 tấn, trừ chi phí còn lãi từ 100 đến 150 triệu đồng. Hải sản khai thác chủ yếu là các loại cá: Đổng, thốc, mối, ngừ, mú, thu ảo…Qua thực tế sản xuất, anh Thắng cho rằng nghề lưới rê đáy đem lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn các nghề giã cào, pha xúc, vây rút chì, thể hiện ở chi phí cho đánh bắt thấp hơn, mà rõ nhất là chi phí nhiên liệu xăng dầu thấp, lại có thể đánh bắt quanh năm.
Anh chia sẻ: Nghề nào cũng vậy, không thể cứ theo lối mòn cũ mà phải mạnh dạn tư duy sáng tạo. Tôi vẫn biết vụ bấc có nhiều rủi ro nhưng tôi tin vào tay nghề của mình, có thể đánh bắt trong điều kiện gió từ cấp 3-4 trở xuống. Điều mà ai cũng rõ là trong vụ Nam, vụ đánh bắt chính của hầu hết ngư dân, sản lượng cá nhiều và vì vậy giá cá có đôi khi bán thấp, ngư dân không lãi nhiều. Nhưng vụ Bấc, ít tàu thuyền hoạt động khai thác, sản lượng không nhiều bằng, đương nhiên giá sẽ luôn cao. Ngoài lợi thế ấy, theo anh Thắng, vụ Bấc có đặc điểm là cá đáy xuất hiện nhiều nên nếu cứ ngại sóng gió, bỏ qua sẽ là một sự “lãng phí” rất đáng tiếc về nguồn lợi hải sản. Mặt khác, đối với nghề lưới rê đáy, còn có ưu thế là vòng lưới dài và sâu nên dù gặp áp lực triều cường vẫn đánh bắt được cá, trừ khi có bão mới ngưng hoạt động. Để tăng hiệu quả cho nghề, trên 2 chiếc tàu cá của mình, anh Thắng còn trang bị đầy đủ máy tời, định vị, thông tin liên lạc, tầm ngư…
Không chỉ là đánh bắt cá trái vụ, anh Thắng còn là ngư dân đầu tiên đăng ký vay vốn đóng tàu vỏ sắt theo Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Tuy nhiên, do thấy điều kiện hạ tầng và cơ sở kỹ thuật tỉnh nhà chưa phù hợp, anh chuyển qua đăng ký đóng tàu vỏ composite, dự kiến có công suất từ 500 CV đến 800 CV. Đồng chí Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh nói: “Anh Thắng là một trong những ngư dân có chí hướng vươn khơi xa, nhận thức trách nhiệm về hoạt động đánh bắt còn là góp phần vào khẳng định chủ quyền biển, đảo nên rất hăng hái đăng ký vay vốn dự án đóng tàu lớn. Chúng tôi coi anh là điển hình để liên hệ nêu gương trong ngư dân”.
Bạch Thương