Ngay từ phiên giao dịch đầu tuần (ngày 8/12), giá dầu thế giới đã giảm hơn 4%, xuống mức thấp kỷ lục mới của 5 năm qua, do thị trường lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung ngày càng gia tăng, trong bối cảnh nhịp độ tăng trưởng của kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại.
Ông Adam Longson, chuyên gia phân tích của Morgan Stanle, nhận định nếu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không can thiệp, tình trạng dư cung trên thị trường thế giới sẽ lên tới đỉnh điểm trong quý II/2015. Tuy nhiên, Saudi Arabia, thành viên lớn nhất trong OPEC, cho tới nay vẫn khước từ lời kêu gọi cắt giảm sản lượng mà các thành viên nghèo hơn đưa ra trong cuộc họp hồi tháng trước.
Ảnh minh họa.
Thị trường dầu mỏ lại khởi sắc ngay trong phiên giao dịch liền sau đó, nhờ báo cáo định kỳ hàng tháng của Bộ Năng lượng Mỹ nhận định sản lượng dầu của Mỹ trong năm 2015 là 9,3 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với mức ước tính trước đó là 9,4 triệu thùng/ngày. Bộ Năng lượng Mỹ dự đoán rằng mức tăng tổng sản lượng dầu mỏ trong năm sau cũng giảm tốc, do hoạt động khoan khai thác bị cắt giảm, khi lợi nhuận ở một vài khu vực bị hạ thấp và một số dự án phải hoãn lại.
Tuy nhiên, niềm vui của giới đầu tư không kéo dài lâu khi mà giá dầu lại đổi chiều hạ ngay trong ba phiên giao dịch liên tiếp cuối tuần này (10, 11 và 12/12), đồng thời lập mức đáy mới của 5 năm qua. Đà giảm của giá dầu trong các phiên này chủ yếu bắt nguồn từ việc OPEC và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) lần lượt đều hạ mức dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trong năm 2015, trong lúc lượng dầu tại kho dự trữ của Mỹ gia tăng, tạo thêm áp lực về tình trạng dư cung trên thị trường.
Cụ thể, OPEC dự đoán nhu cầu đối với dầu thô của khối này sang năm 2015 sẽ giảm xuống 28,92 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ năm 2003 và thấp hơn ít nhất 1 triệu thùng/ngày so với sản lượng hiện nay của OPEC. Trong khi đó, IEA dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới trong năm 2015 sẽ tăng 900.000 thùng/ngày lên 93,3 triệu thùng/ngày, tức giảm 230.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó, do cho rằng nhu cầu tiêu thu nhiên liệu của các nước sẽ yếu đi.
Động thái trên của IEA đã đẩy giá dầu giảm tới hơn 3% trong phiên giao dịch cuối tuần, tiếp tục phá “đáy” của 5 năm qua khi rơi xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng, bất chấp thông tin từ công ty dịch vụ năng lượng Mỹ Baker Hughes cho hay số lượng dàn khoan dầu hoạt động tại Mỹ trong tuần này đã giảm 29 dàn khoan so với tuần trước đó - mức giảm mạnh nhất tính theo tuần trong vòng hai năm qua.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/12, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 1/2015 giảm 2,14 USD (3,6%) xuống 57,81 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2009, khi giá dầu này chạm mức 57,34 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng mất 1,83 USD (3%), xuống 61,85 USD/thùng, sau khi có lục “tụt” xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009 vào giữa phiên.
Tính chung cả tuần này, giá dầu ngọt nhẹ hạ hơn 8 USD, tương đương 12%, trong khi giá dầu Brent để tuột mất 7 USD, tương ứng khoảng 11%.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN