Cụ thể là đã có 13/15 chỉ tiêu theo Nghị quyết HĐND tỉnh được thực hiện đạt và vượt, trong đó nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 12,4%, vượt so với mốc kế hoạch 12%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 1.700 tỷ đồng, tăng 13,3% so kế hoạch, đồng thời hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra. GDP bình quân đầu người đạt 26,8 triệu đồng, cao hơn 3,3 triệu đồng so với kết quả thực hiện của năm trước…Điều cũng đáng ghi nhận là cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Đặc biệt, sản xuất công nghiệp có chiều hướng phục hồi “phong độ” và tăng trưởng ở hầu hết các sản phẩm chính, không những vậy năng lực sản xuất mới tiếp tục phát huy hiệu quả.
Nhà máy bia Sài Gòn- Ninh Thuận hoạt động hiệu quả góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.
Ảnh: Sơn Ngọc
Lĩnh vực thương mại nội địa và du lịch tăng trưởng đạt kế hoạch đề ra. Điều cũng đáng nói là việc huy động nguồn lực đầu tư toàn xã hội tiếp tục đạt cao với tổng vốn trên 7.615 tỷ đồng, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước… Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định theo hướng nâng cao giá trị sản xuất trên đầu diện tích bằng việc áp dụng nhiều mô hình sản xuất mới, tiên tiến, hiệu quả gắn với liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ nông phẩm…
Những kết quả đạt được nêu trên chính là thành quả của sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn trong việc chủ động vượt qua khó khăn, khai thác tốt các lợi thế… của tỉnh từ các cấp, ngành, địa phương đến nhân dân trong tỉnh. Đây còn được xem là “năng lượng mới” của năm được “tích tụ” bằng các chủ trương, chính sách thông thoáng trong việc thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các lĩnh vực kinh tế phát triển để vừa tăng thu cho ngân sách, vừa giải quyết việc làm, thu nhập cho lao động trong tỉnh, từng bước “đẩy lùi” có hiệu quả hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương…
Tuy nhiên, đánh giá một cách cân phân cho thấy chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa thật chắc chắn bởi các nguyên nhân sau: một là, kinh tế có dấu hiệu chững lại ở những tháng cuối năm; hai là, nguồn lực đầu tư tiếp tục khó khăn dẫn đến một số công trình, dự án quan trọng có khả năng tạo “cú huých” cho phát triển kinh tế những năm tiếp theo chậm tiến độ, trễ nhịp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến một số dự án đầu tư của các thành phần kinh tế chậm chuyển biến; ba là, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, nhất là trong tiếp cận nguồn vốn, đất đai… Có thể nói, sự “thiếu vững chắc” này thực sự là thách thức lớn trong năm kế hoạch 2015- năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Do vậy, để nền kinh tế tăng trưởng bền vững yêu cầu đặt ra là các cấp, ngành, địa phương cần đánh giá đúng thực trạng để xác định giải pháp tháo gỡ có hiệu quả những vướng mắc, mặt khác cần có chính sách cụ thể trong đầu tư, khai thác đúng mức các nguồn lực về vốn, khoa học- công nghệ, nguồn nhân lực và cả quyết liệt để cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi nhiều hơn cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có thiện chí đầu tư làm ăn trên địa bàn tỉnh. Suy cho cùng, trên nhất vẫn là “tăng trưởng” phải luôn gắn với “chất lượng”, có như vậy mới tránh được những “tổn thương” cho nền kinh tế của tỉnh vốn còn “tiềm ẩn” không ít khó khăn.
Tuấn Dũng