Với diện tích đất tự nhiên khoảng 12.870 ha, trong đó, đất nông nghiệp hơn 4.500 ha, Mỹ Sơn có điều kiện thuận lợi để hình thành những vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Mía, mì, thuốc lá… Từ chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị trên đơn vị sản xuất, đến nay xã đã hình thành vùng trồng cây thuốc lá với quy mô trên 350 ha, lúa 334 ha, bắp thương phẩm 300 ha, bắp nhân giống 175 ha, mía 210 ha, mì 157 ha.
Nuôi bò vỗ béo, giúp người dân địa phương ổn định cuộc sống.
Xác định thuốc lá là cây trồng chủ lực tạo sức đẩy cho kinh tế phát triển, địa phương đã đẩy mạnh việc liên kết với các doanh nghiệp cùng hợp tác làm ăn. Trong niên vụ 2012-2013, địa phương hợp đồng với Công ty Cổ phần Hòa Việt trồng 230 ha thuốc lá sợi vàng, nhờ Công ty hỗ trợ tập huấn kỹ thuật canh tác mới và cho ứng trước vật tư phân bón, bao tiêu sản phẩm nên năng suất đạt trên 2 tấn/ha. Thuốc lá nguyên liệu được Công ty thu mua sau khi đã sấy khô với mức giá dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, nông dân thu lãi từ 60 - 80 triệu đồng/ha, cao gấp đôi so với các loại cây trồng khác. Hiện nay, để nâng cao giá trị cây trồng này, xã đang vận động, khuyến khích nông dân thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất manh mún sang sản xuất tập trung quy mô, sản lượng lớn, tạo điều kiện phát triển mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, giúp hộ trồng giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Ngoài cây thuốc lá, trong vụ đông - xuân vừa qua, nông dân còn ký hợp đồng với Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố, Công ty CP Giống cây trồng Đông Nam và Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố trồng 300 ha bắp nhân giống với các loại giống LVN 8960, LVN 885, LVN 10..., năng suất bình quân đạt 8,5 tấn/ha, tăng 1,5 tấn so với giống cũ, các hộ trồng thu lãi gần 7 triệu đồng/sào.
Bên cạnh đó, xã cũng chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng đàn. Hiện tổng đàn gia súc trên địa bàn là 11.189 con; trong đó, bò 3.689 con, dê, cừu 6.250 con, heo 1.250 con. Nhiều mô hình chăn nuôi phát huy được hiệu quả như: Nuôi bò vỗ béo; nuôi dê, cừu sinh sản... tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho các hộ gia đình.
Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp nên đời sống nhân dân trong xã đã có nhiều chuyển biến, nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng chí Lê Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Để định hướng phát triển kinh tế tại địa phương, xã đang chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phân công thành viên phụ trách từng thôn có số hộ nghèo cao, trực tiếp hướng dẫn sản xuất; vận động bà con loại bỏ những giống cây trồng kém hiệu quả chuyển sang các giống mới năng suất cao. Tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân thay đổi nhận thức, tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Hồng Lâm