Towers Watson (công ty tư vấn nhân sự chuyên nghiệp hàng đầu thế giới trong việc cung cấp các dịch vụ nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua quản lý nguồn nhân lực, tài chính và rủi ro một cách hiệu qủa) vừa công bố kết qủa khảo sát lương và phúc lợi tại Việt Nam (VN) năm 2014.
Bà Huỳnh Thu Hường, Tổng Giám đốc Towers Watson Việt Nam, cho biết việc khảo sát lương và phúc lợi đã được Towers Watson thực hiện ở VN 14 năm. Phương pháp thực hiện khảo sát là như nhau ở tất cả các thị trường. Tại VN, kỳ khảo sát lương và phúc lợi hàng năm khởi động vào tháng 6 và kết thúc vào tháng 9. Việc tham gia khảo sát là hoàn toàn tự nguyện và tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực ngành nghề đều có thể tham gia.
Kỳ khảo sát năm 2014 có sự tham gia của 268 doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, với 125.464 vị trí nhưng tập trung ở các ngành chủ đạo: dịch vụ tài chính, bảo hiểm, dược phẩm, công nghệ cao và sản xuất. Theo kết qủa mà Towers Watson công bố, mức tăng lương trung bình của các doanh nghiệp được khảo sát là 9,6% (giảm so với mức 11,7% của năm 2013). Trong đó, ngành dược phẩm có tỷ lệ tăng lương trung bình cao nhất (11,2%), đồng thời cũng là ngành có tỷ lệ người lao động nghỉ việc trung bình cao nhất (15,9%); ngành bảo hiểm có tỷ lệ tăng lương trung bình thấp nhất (7,2%); tỷ lệ người lao động nghỉ việc của ngành dịch vụ tài chính và ngành bảo hiểm thuộc nhóm cao so với mặt bằng chung (trung bình ở mức 13,6% và 13,9%).
Lý giải về việc ngành dược phẩm có mức tăng lương cao nhất trong năm 2014 nhưng lại có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất trong số các ngành được khảo sát, bà Hường cho biết ngành dược phẩm vốn có nguồn cung lao động giới hạn, đồng thời lại là ngành có mức tăng trưởng khá cao trong các năm. Do vậy, đây là ngành luôn có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất cho dù có tỷ lệ tăng lương cao.
Trả lời câu hỏi về những tiêu chí để Towers Watson VN đưa ra nhận định năm 2015, VN lọt vào nhóm các nước dẫn đầu mức tăng lương trong khu vực Đông Á? Bà Huỳnh Thu Hường cho biết Towers Watson đã dựa vào Báo cáo Kế hoạch ngân sách tiền lương Châu Á Thái Bình Dương 2015 do chính Towers Watson thực hiện ở vùng Châu Á Thái Bình Dương vào tháng 7-2014 và kết quả thu thập được từ các doanh nghiệp tham gia khảo sát tại VN. Kết quả này cũng đã được so sánh với kết quả từ các nước trong khu vực.
Theo đó, sau khi trừ đi mức lạm phát, Trung Quốc (5.2%) và VN (4.1%) là hai quốc gia có mức tăng lương dự kiến cao nhất, Nhật Bản có mức tăng thấp nhất (0.6%). Tuy nhiên, các con số trong báo cáo này sử dụng số liệu kinh tế vĩ mô từ bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro EIU (Economist Intelligence Unit – Anh) tại thời điểm tháng 7-2014. Khi công bố kết quả khảo sát vào tháng 11-2014, Towers Watson đã điều chỉnh mức tăng dự kiến của Việt Nam là 3.1% từ kết quả số liệu kinh tế vĩ mô tại thời điểm tháng 10-2014.
Bà Huỳnh Thu Hường cho hay Towers Watson đưa ra dự kiến mức tăng lương trung bình tại VN năm 2015 sẽ giảm nhẹ so với năm 2014, chưa tính đến yếu tố lạm phát. Sau khi trừ đi mức lạm phát, mức tăng lương trung bình dự kiến sẽ là 3,1%, đưa VN vào nhóm các nước dẫn đầu mức tăng lương trong khu vực Đông Á.
Tham gia khảo sát là doanh nghiệp tư nhân
- Phóng viên: Khi nói đến ngành bảo hiểm, dược phẩm... là Towers Watson khảo sát giới hạn trong nhóm doanh nghiệp tư nhân hay cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về những ngành này?
- Bà Huỳnh Thu Hường: Các doanh nghiệp tham gia khảo sát là nhóm doanh nghiệp tư nhân, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn nước ngoài và doanh nghiệp VN. Hiện nay, chưa có cơ quan quản lý nhà nước tham gia vào khảo sát của chúng tôi.
- Phóng viên: Khái niệm lương và phúc lợi mà Towers Watson công bố thực chất là thu nhập thực tế bình quân hàng tháng của người lao động hay là khoản lương và phụ cấp được các doanh nghiệp ghi trong HĐLĐ với người lao động?
- Bà Huỳnh Thu Hường: Towers Watson VN thu thập thông tin lương, thưởng, phụ cấp và các khoản thu nhập thực tế khác mà người lao động nhận được theo năm.
Lương Duy Cường