Thẩm quyền công bố dịch động vật có nên thuộc Chủ tịch UBND cấp tỉnh?

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII, sáng 28/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thú y. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họp.

Thảo luận về dự án Luật Thú y, đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết phải ban hành luật nhằm khắc phục các bất cập của Pháp lệnh Thú y hiện hành và cho rằng, dự án Luật đã thể chế hóa được đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực thú y; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của Dự thảo Luật với hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan.

 

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP. Hồ Chí Minh) góp ý về dự án Luật Thú y sáng 28/11.
(Ảnh: TTXVN)

Nội dung được các đại biểu tập trung cho ý kiến đó là: phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; hệ thống cơ quan chuyên ngành về thú y; thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn; quản lý nhà nước trong lĩnh vực thú y.

Đại biểu (ĐB) Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đặt vấn đề, hiện có hơn 200 loại bệnh lây truyền từ động vật sang người và có xu hướng ngày càng gia tăng. Thực tế, có một số dịch bệnh lây truyền từ động vật rất nguy hiểm, có nơi bùng phát thành dịch trên diện rộng, tỷ lệ tử vong cao, cần sự huy động của nhiều cấp, ngành, nhiều lĩnh vực trong việc đối phó với dịch. Tuy nhiên, dự thảo Luật chỉ đề cập duy nhất tại Điều 19 về chương trình khống chế, thanh toán một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, giữa động vật và người gồm 3 khoản, diễn đạt chưa hết ½ trang giấy. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tách Điều 19 ra, bổ sung các nội dung như giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác và biện pháp phòng các dịch bệnh lây từ động vật sang người ở cấp cộng đồng; tăng cường hợp tác giữa hai ngành y tế và thú y trong phòng, chống dịch bệnh, trách nhiệm của từng ngành khi xảy ra dịch bệnh; xây dựng chiến lược quốc gia khống chế một số bệnh nguy hiểm; xử lý xác động vật, vật chất chứa mầm bệnh và môi trường; tiêm phòng cho người và động vật ở địa bàn có nguy cơ cao… thành một mục riêng.

Về hệ thống cơ quan chuyên ngành về thú ý, ĐB Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) đồng tình với quy định tại Điều 6 dự thảo Luật, hệ thống cơ quan chuyên ngành về thú y được tổ chức từ trung ương đến cấp huyện. Đối với cấp xã giao UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện phát triển chăn nuôi tại địa phương, bố trí nhân viên thú y ở xã, phường, thị trấn. Đại biểu đề nghị trong văn bản hướng dẫn thi hành luật cần quy định rõ, trưởng thú y xã được hưởng chế độ phụ cấp đặc thù và chịu sự chỉ đạo chuyên môn của cơ quan thú y huyện. Hiện nay thú y xã được giao nhiều nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh. Với đặc điểm của nông thôn Việt Nam, ở đâu có nếp nhà thì ở đó có con gà, con lợn, nên rất khó để kiểm soát dịch bệnh. Thú y xã phải thường xuyên xuống từng hộ chăn nuôi để kiểm tra, tuyên truyền việc phòng, chống dịch, phải tiếp xúc với dịch bệnh, trong đó có dịch bệnh gây chết người mà chỉ được hưởng phụ cấp như hiện hành là thấp. Cuộc sống của nhân viên thú y cấp xã gặp nhiều khó khăn, nên Nhà nước cần có chính sách quan tâm đến lực lượng thú y xã để họ yên tâm và tập trung hoàn thành công việc.

Đồng quan điểm với đại biểu Nga, ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, với tác dụng rất hiệu quả của mạng lưới thú y cấp xã, đề nghị luật hóa để lực lượng này được ghi nhận chính thức và sẽ có đóng góp hiệu quả hơn cho nền nông nghiệp của đất nước. Đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định mang tính chất khóa nhằm hạn chế việc tăng lực lượng này khi luật có hiệu lực theo hướng địa bàn có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, trong đó có tỷ trọng chăn nuôi như thế nào thì có số lượng nhân viên thú y tối đa là bao nhiêu.

Về quy định thẩm quyền công bố dịch, còn có ý kiến khác nhau. Nhiều đại biểu cho rằng, giao thẩm quyền công bố dịch cho cấp xã và cấp huyện là không phù hợp và không đủ điều kiện nhân lực, không đủ thẩm quyền trong huy động nguồn lực dập dịch. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nêu vấn đề: Thực tế cho thấy việc công bố dịch có tác động rất mạnh đến phát triển kinh tế và trật tự ổn định xã hội ở địa phương cần được xem xét hết sức cẩn trọng, ở cấp huyện lại còn rất khó khăn về các điều kiện đảm bảo cho việc công bố dịch như cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, nhân lực yếu và cũng không đủ thẩm quyền để huy động nguồn lực cho phòng chống dịch. Do đó, ĐB đề nghị thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn nên giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là phù hợp.

Về nội dung này, ĐB Đinh Thị Phương Khanh (Long An) không tán thành với quy định tại Điều 26, dự thảo luật quy định Căn cứ vào báo cáo của nhân viên thú y cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã thông báo, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Đại biểu cho rằng, thẩm quyền này nên giao cho UBND huyện thì sẽ phù hợp hơn.

Thảo luận về quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP. Hồ Chí Minh) nêu ý kiến, nội dung quy định về phòng, chống dịch bệnh chưa gắn với hoạt động nuôi, chăn nuôi và chưa quy định rõ trách nhiệm của chủ vật nuôi trong việc phòng bệnh và chăm sóc vật nuôi, nhất là việc nuôi chó, mèo, vật cảnh… Do đó, ĐB đề nghị cần quy định trách nhiệm của chủ vật nuôi, nuôi vật không nhằm cung cấp thực phẩm trong chăm sóc và phòng trừ các bệnh truyền nhiễm, bệnh do ký sinh trùng do vật nuôi nhằm bảo đảm vệ sinh phòng bệnh cho cộng đồng dân cư và bản thân gia đình…

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam