Thảo luận về dự án Luật ban hành văn bản pháp luật, nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành luật này trên cơ sở hợp nhất Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND (Luật năm 2004) và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Việc xây dựng Luật ban hành văn bản pháp luật được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng hệ thống pháp luật hiện nay quá phức tạp, cồng kềnh gây khó khăn cho việc tuân thủ, áp dụng pháp luật.
ĐB Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội trường. (Ảnh: TTXVN)
Đánh giá cao những điểm mới của Dự thảo Luật, đặc biệt là việc bổ sung quy trình thảo luận về chính sách của văn bản pháp luật và việc công khai hóa, minh bạch hóa hoạt động xây dựng pháp luật, đại biểu (ĐB) Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, dự thảo Luật đã chú ý đến việc định hình chính sách cho mỗi văn bản pháp luật, thông qua việc đưa nội dung chính sách thành một nội dung chính xuyên suốt quá trình xây dựng văn bản pháp luật. Đó là một tiến bộ vượt bậc. Song, ĐB Vũ Tiến Lộc cũng tỏ ra băn khoăn không có chỗ nào trong Dự thảo định nghĩa chính sách là gì, chính sách bao gồm những nội dung nào, căn cứ vào đâu để đánh giá chính sách?… Toàn bộ các quy trình xây dựng pháp luật sau đó chạy theo chính sách, dựa vào chính sách, nhưng cả người soạn thảo lẫn người thẩm định đều không biết chính sách đó được xác định thế nào, cần phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu gì? Vì vậy, đề nghị Dự thảo cần làm rõ nội dung này.
Dự thảo Luật đã thiết kế nhiều điều khoản nhằm mục đích mở rộng và làm sâu sắc thêm cơ chế để người dân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng văn bản pháp luật.
Về quyền lập quy của các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, hiện nay, các bộ, ngành vẫn là các cơ quan chủ yếu soạn thảo văn bản pháp luật; dẫn đến những bất cập về chất lượng vì khi các bộ, ngành vừa là cơ quan đề xuất soạn thảo, vừa là cơ quan ban hành hướng dẫn và tổ chức thực hiện, quản lý nhà nước sẽ dễ dẫn đến một xu hướng tự nhiên là nhiều chính sách dành thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, đẩy khó khăn cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản, mà không có cơ chế nào hạn chế hệ quả của việc này.
Dẫn chứng thực tế là hầu như không có cơ quan soạn thảo nào công khai dự thảo cuối cùng, mà chỉ lấy ý kiến công chúng cho các dự thảo ban đầu, hệ quả là người dân, doanh nghiệp nhiều trường hợp đã hoàn toàn bất ngờ khi văn bản được ban hành có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ có chứa những quy định bất lợi mà họ không hề được biết đến trước đó. ĐB Vũ Tiến Lộc đề nghị, Dự thảo Luật phải có quy định bảo đảm khắc phục được tình trạng này, đặc biệt là việc bảo đảm công khai bản dự thảo cuối cùng.
Về sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản pháp luật (Tại khoản 1, Điều 11) Dự thảo Luật quy định: “Văn bản pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Theo ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị), cần phải quy định rất chặt, đúng là cơ quan đó được ban hành văn bản đình chỉ, sửa đổi, bổ sung nhưng phải cùng hình thức, nếu không sẽ dễ dẫn đến “lạm quyền”. ĐB Phạm Đức Châu cho rằng, Quốc hội ban hành Hiến pháp, ban hành luật thì khi sửa đổi luật phải bằng luật, chứ không phải bằng Nghị quyết của Quốc hội.
Liên quan đến thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản pháp luật, một số ý kiến đề nghị giữ lại hình thức Thông tư của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), Chánh án Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) và quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, bởi vì các cơ quan này là các cơ quan nhà nước được quy định trong Hiến pháp, văn bản pháp luật của các cơ quan này được ban hành để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.
ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) đề xuất: Cần thiết phải bổ sung hình thức thông tư Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC, Tổng Kiểm toán nhà nước vì đây là các cơ quan áp dụng pháp luật. Thực tế các quy định của pháp luật trong tổ chức của Viện, Tòa, Công an, thi hành án… có nhiều lĩnh vực cần phải hướng dẫn, quy định trong văn bản dưới luật để xử lý các vụ việc.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đề nghị: Cần xem xét lại việc bỏ thẩm quyền ban hành văn bản của TANDTC, VKSNDTC có phù hợp với quy định của pháp luật hay không?.../.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam