Dấu ấn: Sự kiện lịch sử trong nước ngày 29-11

Ngày 29-11-1917: Thành lập Thư viện quốc gia Việt Nam. Tiền thân của nó là Thư viện Trung ương Đông Dương, do Toàn quyền Pháp ở Đông Dương Albert Sarraut ra nghị định thành lập, trụ sở đặt tại số 31 đường Trường Thi (nay là phố Tràng Thi), Hà Nội. Sau đó, Thư viện được đổi thành nhiều tên gọi khác nhau như: Thư viện Pierre Pasquier, Quốc gia Thư viện, Thư viện Trung ương Hà Nội. Đến ngày 21-11-1958, Thư viện chính thức mang tên Thư viện quốc gia Việt Nam. Hiện nay, Thư viện có vai trò là thư viện trung tâm của cả nước, góp phần thống nhất và nâng cao chất lượng nghiệp vụ của hệ thống thư viện quốc gia. Thư viện chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ngày 29-11-1986: Tổ máy cuối cùng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại hòa vào lưới điện quốc gia. Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại được khởi công xây dựng ngày 17-5-1980, trên địa phận huyện Chí Linh (Hải Dương). Nhà máy có công suất thiết kế 440MW bao gồm 4 tổ tuốc bin-máy phát và 8 lò hơi theo khối 2 lò/máy, mỗi tổ máy có công suất 110MW. Kể từ khi tổ máy số 1 đưa vào vận hành, đến nay Nhiệt điện Phả Lại luôn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống điện quốc gia. Nhà máy đã cung cấp cho đất nước trên 97 tỷ kWh điện. Tổng sản lượng điện sản xuất đến cuối năm đạt khoảng 100 tỷ kWh, chiếm gần 10% tổng sản lượng điện toàn quốc, đóng góp xứng đáng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ ngày 29-11 đến 4-12-1999: UNESCO công nhận Mỹ Sơn và Hội An là Di sản văn hóa thế giới. Khu di tích Mỹ Sơn và khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận tại kỳ họp lần thứ 23, diễn ra tại Maroc.Mỹ Sơn là khu đền tháp nằm kín đáo trong thung lũng hẹp thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của các đền tháp trong Khu di tích được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như: Ăng-co (Campuchia), Pan-gan (Mianma), Bô-rô-bu-đu (Indonesia).Khu phố cổ Hội An thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Từ thế kỷ XV, cảng Hội An là nơi các thương gia người Hoa, Nhật, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Ấn Độ... đến buôn bán và để lại nhiều dấu tích. Đến nay, nơi đây vẫn bảo tồn hầu như nguyên trạng của một quần thể di tích kiến trúc gồm nhiều loại hình: nhà ở, hội quán, đình, chùa, miếu, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ...

Ngày 29-11-2001: Khởi công xây dựng Nhà máy Điện Phú Mỹ III.Được xây dựng tại Khu công nghiệp Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng vốn đầu tư gần 413 triệu USD, Nhà máy điện Phú Mỹ III có tổng công suất 716,8 MW, được lắp đặt công nghệ hiện đại gồm 2 tua bin khí, 2 hệ thống lò thu hồi nhiệt để sản xuất hơi nước và 1 tua bin hơi. Nhà máy sử dụng khí từ dự án Nam Côn Sơn theo hợp đồng mua bán khí với Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và sử dụng khoảng 3 triệu m3 khí/ngày đêm trong điều kiện hoạt động 100% công suất. Đây là dự án đầu tư nước ngoài theo dạng BOT đầu tiên tại Việt Nam trong thời hạn 20 năm. Nhà máy được khánh thành ngày 3-4-2004. Hiện mỗi năm nhà máy cung cấp khoảng 4% tổng sản lượng điện quốc gia. Trong 10 năm qua, tính đến tháng 3- 2014, Phú Mỹ III đã cung cấp 47,22 tỉ kW điện cho cả nước.

Theo TTXVN