Dấu ấn: Sự kiện lịch sử trong nước ngày 22-11

* Sự kiện

- Ngày 22-11-1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 63 về tổ chức và quyền hạn, cách làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh và Ủy ban hành chính cấp Kỳ. Sắc lệnh gồm 4 chương, 17 tiết, 115 điều.

- Ngày 22-11-1956: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và chứng kiến lễ ký Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc, nhân chuyến thăm hữu nghị Việt Nam của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa do Thủ tướng Chu Ân Lai dẫn đầu.

- Ngày 22 đến 24-11-2000: Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI. Đây là Đại hội thi đua đầu tiên từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới đất nước.Đại hội là dịp để tổng kết phong trào thi đua yêu nước thời kỳ Đổi mới, rút ra những bài học kinh nghiệm thiết thực về nội dung, hình thức tổ chức phong trào thi đua yêu nước thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với khẩu hiệu: “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

* Nhân vật

- Ngày 22-11-1871: Ngày mất của nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ. Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828, tại xã Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Ông là nhà tư tưởng, nhà cải cách lớn của Việt Nam cuối thế kỷ XIX, là người công giáo yêu nước, kính Chúa, nhiệt thành, ứng xử hài hòa bổn phận công dân và con chiên của Chúa. Chỉ trong gần 10 năm, ông đã liên tiếp gửi lên triều đình Nhà Nguyễn 58 bản Điều trần đề nghị cải cách, duy tân đất nước trên nhiều phương diện. Ông là một tài năng lớn, một nhân cách lớn của Việt Nam. Học giả Lê Thước đã nói về ông: "... Nguyễn Trường Tộ là nhà khoa học, nhà chính trị và cũng là nhà tân học nước ta xưa. Tư tưởng và kiến thức của tiên sinh hơn người đồng thời muôn nghìn."

- Ngày 22-11-1916: Ngày sinh của Giáo sư Phạm Huy Thông. Giáo sư Phạm Huy Thông quê ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, mất ngày 21-6-1988 tại Hà Nội. Ông là một nhà thơ, nhà sử học, nhà bác học, nhà yêu nước và hoạt động xã hội. Ở lĩnh vực nào, Phạm Huy Thông cũng có những đóng góp quan trọng, với vai trò của một người luôn luôn đi những bước tìm tòi khai mở trong buổi đầu. Ông từng nhiều trọng trách như: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) Viện trưởng Viện Khảo cổ học Quyền Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 2000, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình khảo cổ học (thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn): Trống Đông Sơn ở Việt Nam (mở đầu) Hang Con Moong Hùng Vương dựng nước (4 bài đề dẫn).

Theo TTXVN